Nhận được văn bản chỉ đạo từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này đã tổ chức thực hiện và có báo cáo kết quả xử lý các dự án.

Theo đó, đối với 5 dự án không thuộc các Phụ lục của Kết Luận thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, đối với Dự án Xây dựng vườn ươm của Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt, UBND tỉnh đã có văn bản số 7638/UBNDLN ngày 16/9/2020 thống nhất chấm dứt hoạt động và thu hồi phần diện tích 79.995,3 m2.

Đối với dự án King Palace của Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt, căn cứ ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 83/QĐ-KHĐT ngày 17/9/2021 về việc chấm dứt hoạt động dự án.

Đối với dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ đưỡng sinh thái Đại Ninh của Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh, đến nay, dự án đã hoàn thành một số thủ tục chuẩn bị đầu tư và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án tại văn bản số 1932/UBND-VX2 ngày 24/3/2022.

Đối với dự án Merperle Dalat Hotel của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy đã được UBND tỉnh chấp thuận tiếp tục thực hiện tại văn bản số 10049/UBND-VX2 ngày 14/01/2022, điều chỉnh tiến độ đến tháng 12/2022 tại văn bản số 303/UBND-VX2 ngày 14/02/2021.

Đối với dự án Dự án Trung tâm trưng bày, mua bán cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu Toyota của công ty CP Nha Trang – Đà Lạt, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty cổ phần Nha Trang – Đà Lạt tiếp tục thực hiện dự án tại văn bản số 4706/UBND-VX2 ngày 08/7/2021, yêu cầu Công ty khắc phục triệt để các sai phạm về trật tự xây dựng tại dự án.

Đối với kết quả rà soát, kiểm tra đối với các dự án thuộc Phụ lục 10 và 12 kết luận Thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng số dự án phải thực hiện rà soát, kiểm tra thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư là 110 dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc làm việc với các nhà đầu tư để kiểm tra, rà soát, hoặc kiểm tra thực tế dự án.

Sau khi làm việc, xem xét các báo cáo của nhà đầu tư và ý kiến của các sở, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đối với 110 dự án, trong đó có 06 dự án chấm dứt hoạt động.

Đồng thời có 71 dự án UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên phải điều chỉnh một số nội dung như gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, điều chỉnh dự án, khắc phục tồn tại và triển khai dự án theo đúng quy định; 11 dự án UBND tỉnh chưa chấp thuận điều chỉnh dự án; 22 dự án giao rà soát, kiểm tra lại.

Vì sao các dự án chậm tiến độ?

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, đa phần các dự án sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho tiếp tục hoạt động đều triển khai thực hiện chậm so với tiến độ thực hiện dự án, cam kết tiến độ với UBND tỉnh.

Theo Sở này, nguyên nhân của việc chậm tiến độ là vì, một số nhà đầu tư chưa tích cực tổ chức triển khai thực hiện dự án theo tiến độ thực hiện tại Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, Văn bản điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án của UBND tỉnh.

Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020, 2021 (thời điểm đỉnh dịch) Chính phủ phải áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội đã trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai thực hiện dự án của Nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung như quy hoạch Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm theo Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 07/9/2016 của UBND tỉnh, điều chỉnh quy hoạch xây dựng dự án do liên quan đến đất rừng tự nhiên.

Chưa hết, nhà đầu tư khó khăn trong công tác triển khai thực hiện các hạng mục như: công tác giải phóng mặt bằng, vướng trong thực hiện các thủ tục hành chính như thủ tục về xây dựng, đất đai…

Đặc biệt, các dự án đầu tư có liên quan đến rừng, đất rừng khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc không được phép chuyển mục đất rừng tự nhiên; một số dự án phải thực hiện điều chỉnh các hạng mục công trình sang vị trí đất không có rừng nên kéo dài thời gian đầu tư dự án.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 963 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 126.119,81 tỷ đồng, tổng diện tích là 66.912,62ha.

Trong đó, có 606 dự án đã hoàn thành, 205 dự án đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản với tổng vốn đăng ký là 56.168,04 tỷ đồng, 152 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với tổng vốn đăng ký là 18.623,8 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 1146/UBND-VX2 về việc kiểm ra, rà soát, đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, đặc biệt là sau khi thực hiện Kết luận Thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ, tỉnh đã xem xét chấp thuận cho nhiều dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách trên địa bàn được tiếp tục triển khai, gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng và nhà đầu tư đã cam kết tiến độ đầu tư theo từng phân kỳ.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy một số dự án vẫn không triển khai đúng tiến độ cam kết, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mỹ quan đô thị và gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Từ thực tiễn nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát tiến độ đầu tư của các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh, tiến hành kiểm tra (nếu cần thiết) để đôn đốc tiến độ các dự án theo đúng quy định và cam kết của nhà đầu tư.

Trường hợp phát hiện sai phạm thì kịp thời xử lý theo quy định. Qua đó báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 31/3/2022

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: lam dong