Nhằm giảm tải tình trạng doanh nghiệp bất động sản “tay không bắt giặc” khi chỉ có vốn pháp định thấp (khoảng 10 -15 tỷ) có thể kinh doanh bất động sản lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, bằng cách huy động vốn từ khách hàng và vay ngân hàng. Vì vậy, dự thảo Luật kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) quy định, các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Theo đó, vốn pháp định tối thiểu của doanh nghiệp làm trong lĩnh vực này phải có là 50 tỷ đồng.
Một số chuyên gia cho rằng quy định này khá phù hợp, vì nó có thể loại bớt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản yếu kém khỏi thị trường. Với quy định này các chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn và nhà đầu tư ít phải chịu rủi ro hơn.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều về vấn đề này. Ông Nguyễn tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn triển Vọng (Savista) cho rằng: “Nên có quy định mở về vốn pháp định, tùy theo từng đối tượng chức năng cụ thể. Nếu đầu tư sẽ quy định con số khác, kinh doanh hay cho thuê sẽ là con số khác, không nên cố định ở một con số”.
Đồng tình với quy định về vốn pháp định 50 tỷ, ông Nguyễn Vĩnh Trân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho rằng, con số 50 tỷ chỉ xấp xỉ khoảng 5% doanh thu của một doanh nghiệp bất động sản nhưng có thể củng cố thêm lòng tin cho khách hàng.
Thực tế, hiện nay không ít doanh nghiệp bất động sản nhờ mối quan hệ để chạy xin cấp phép lấy dự án rồi bán đi chứ không đầu tư. Điều này đã khiến cho thị trường bất động sản có nhiều xáo trộn và phát triển thiếu bền vững.
Theo ông Trân không nên “đóng khung” quy định 50 tỷ đồng một cách cứng nhắc. Nên quy định một tỷ lệ nào đó vì dự án nhỏ thì chỉ cần một số vốn nhỏ. Đối với các công ty môi giới thì chỉ cần quy định một vài tỷ đồng vì môi giới chỉ hưởng hoa hồng từ 2-3% từ chủ đầu tư. Nếu quy định vốn pháp định ở ngành nghề này cao quá sẽ không công ty nào chịu làm thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầu tư cũng như khách hàng.