27/03/2014 7:58 AM
Phân khúc bất động sản trung và cao cấp đặc biệt những dự án đã tạo ra dòng tiền ổn định đang trở thành món "khoái khẩu" hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

Nhà đầu tư hào hứng

Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, chưa khi nào nhà đầu tư ngoại lại đặc biệt hào hứng với việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam như hiện nay.

Cùng với những tín hiệu khả quan từ kinh tế vĩ mô, nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở đáy của chu kỳ, do đó họ muốn nhân dịp này đón đầu thị trường một khi nền kinh tế hồi phục trở lại.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho biết, Savills nhận thấy các nhà đầu tư hiện đã và đang rất quyết liệt tìm kiếm các nguồn vốn cũng như nguồn đầu tư vào thị trường bất động sản thông qua con đường ngoại giao, các hội nghị, hội thảo đầu tư được tổ chức tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Trong đó, theo ghi nhận của Savills, đã xuất hiện sự quan tâm lớn đối với thị trường bất động sản Việt Nam đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Thậm chí, Savills còn dự báo rằng, sẽ có dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc sẽ chảy vào bất động sản trong tương lai gần.

Mới đây, Eunmin S&D (Hàn Quốc) đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đề xuất nguyện vọng đầu tư xây dựng một số dự án nhà ở tại khu vực nội thành.

Một diễn biến khác cũng cho thấy điều tương tự, trong khuôn khổ diễn đàn Vietnam Access Day vừa được tổ chức tại TP. HCM, khá đông nhà đầu tư ngoại đã tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt đến dự án của một số doanh nghiệp địa ốc lớn ở Việt Nam như: Vingroup, Nam Long, CII...

Đại diện Tập đoàn Nam Long chia sẻ, một số nhà đầu tư đã quan tâm và tỏ ra hào hứng với kế hoạch 10.000 căn hộ do công ty này sẽ đầu tư trong vòng 5 - 10 năm tới. Đồng thời, các nhà đầu tư ngoại tham gia sự kiện cũng khá quan tâm đến những dự án mới đầy tiềm năng thuộc phân khúc cao cấp.

Mặt khác, theo nhận định của các chuyên gia về M&A, một số nhà đầu tư ngoại đặc biệt là các doanh nghiệp ở khu vực châu Á đang tỏ rõ tham vọng nhắm đến những dự án phát triển các khu dân cư thông qua con đường mua lại các dự án.

Hơn nữa, theo nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, với việc Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định hạ lãi suất huy động về mức 6%, tiền sẽ "chảy" mạnh vào các thị trường tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hơn trong đó có bất động sản.

Ghi nhận của Tổ chức Tư vấn quốc tế CBRE Việt Nam cho thấy, lãi suất cho vay bất động sản tại 10 ngân hàng đã giảm đáng kể. Thời điểm cách đây 2 năm, lãi suất cho vay bất động sản trung bình ở mức trên 18%, sau đó giảm dần về mức 15,5% vào năm 2012.

Tuy nhiên, hiện nay mức lãi suất này chỉ vào khoảng trên dưới 13%/năm và khá ổn định trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng cho thấy, bất động sản là lĩnh vực hấp dẫn thứ hai về thu hút vốn FDI với gần 300 triệu USD vào các dự án.

Bên cạnh đó, việc Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đưa ra nhiều quy định nới việc sở hữu nhà và kinh doanh bất động sản cho người nước ngoài tại Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ mang lại hiệu ứng tốt về dòng vốn đầu tư vào thị trường này trong tương lai.

“Nhắm” dự án đã tạo ra dòng tiền

Mặc dù, trong những tháng đầu năm 2014, phân khúc nhà giá thấp mang lại sự lạc quan nhất định cho thị trường với thanh khoản cải thiện đáng kể. Nhưng theo khảo sát của các tổ chức tư vấn quốc tế về bất động sản, phân khúc trung và cao cấp mới là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư ngoại.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, các tín hiệu đều cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư đang nhắm đến việc mua lại những tài sản có dòng tiền ổn định thuộc phân khúc bất động sản cao cấp.

Đặc biệt là các dự án bất động sản như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn, khu dân cư quy mô lớn tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Khương cho rằng, hầu hết nhà đầu tư đều không muốn mất thời gian đầu tư dự án quá lâu khiến hao tổn chi phí, khó khăn trong quá trình thu hồi vốn.

Mặt khác, những rào cản về mặt thủ tục pháp lý chính là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư ngoại e dè hơn trong việc đầu tư phát triển dự án.

Ông Khương tiết lộ, có hai điểm chính thường thấy ở Việt Nam khiến các nhà đầu tư lớn nước ngoài quan ngại. Thứ nhất, thông tin về các dự án khá mù mờ, không thống nhất, không minh bạch. Thứ hai, hệ thống pháp lý phức tạp thậm chí chồng chéo gây mâu thuẫn xung đột giữa các bộ, ngành đặc biệt là các văn bản dưới luật.

Những điều này gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư dự án, dễ mang lại rủi ro về lợi ích tài chính cho chủ đầu tư và làm chậm tiến độ thi công các dự án.

Trong khi đó, kể cả trong lúc thị trường gặp khó khăn nhất, phân khúc cao cấp vẫn có được một lượng khách hàng riêng là những người thuộc tầng lớp trung lưu, người đi làm có thu nhập ổn định muốn sở hữu những sản phẩm nhà ở cao cấp.

Mặt khác, việc khan hiếm nguồn cung bất động sản cao cấp ở các trung tâm thành phố trong khi nhu cầu thuê – mua tại những vị trí đẹp này luôn ở mức cao cũng là lý do khiến phân khúc này vẫn tiếp tục hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù đang dành sự quan tâm lớn nhưng chỉ khi thị trường có “sóng” thì nhà đầu tư mới thực sự đổ vốn vào bất động sản để “lướt” kiếm lời.

Vũ Minh (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.