30/01/2017 1:28 PM
CafeLand - 2016 là năm đầy ấn tượng đối với thị trường bất động sản Việt Nam khi các quỹ đầu tư nước ngoài lần lượt tìm đến. Trong số đó, nổi bật hơn cả là nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Người Nhật thích hợp tác

Các thương vụ diễn ra sôi nổi nhất là các quỹ đầu tư đến từ Nhật. Mới đây nhất, ngày 8/11/2016, hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã công bố cùng hợp tác phát triển dự án Kikyo Residence tại quận 9, TP.HCM với tổng vốn đầu tư khoảng 630 tỷ đồng. Đây là dự án thứ ba liên tiếp Công ty cổ phần đầu tư Nam Long kết hợp với hai nhà đầu tư Nhật Bản này sau Flora Sakura và Fuji Residence.

Trong quý 3/2016, thị trường TP.HCM ghi nhận sự hợp tác giữa Công ty xây dựng Maeda Nhật Bản và Công ty xây dựng Thiên Đức đầu tư dự án Waterina Suites tại quận 2 với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Waterina là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên của tập đoàn Maeda tại thị trường Việt Nam. Maeda đang là đơn vị thi công đoạn đi ngầm tại khu vực quận 1 của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Hồi giữa tháng 9, một đại gia khác là Kajima, tập đoàn xây dựng 176 năm tuổi đến từ Nhật, đã cùng Indochina Capital ra mắt liên doanh tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD trong 10 năm tới. Tỷ lệ góp vốn của liên doanh Kajima - Indochina Capital (ICC-Kajima) được tiết lộ 50-50 cho mỗi bên. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn Kajima của Nhật đầu tư vào Việt Nam với vai trò là nhà đầu tư phát triển dự án. Và theo kế hoạch liên doanh này sẽ mua lại các dự án bất động sản của doanh nghiệp trong nước.

Ở một thương vụ khác, tập đoàn Mitsubishi góp vốn liên doanh phát triển dự án The Manor Central Park của Bitexco Group. Mặc dù giá trị chính thức của thương vụ không được công bố, song trước đó, theo tiết lộ của Bitexco Group, Mitsubishi và Bitexco đã thỏa thuận thành lập một công ty liên doanh cùng phát triển 240 căn hộ thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng với 1.036 căn hộ tại The Manor Central Park. Ước tính tổng số tiền đầu tư giai đoạn này khoảng 290 triệu USD.

Nói đến các quỹ đầu tư Nhật Bản thì không thể không nhắc đến Creed Group. Quỹ đầu tư này vào Việt Nam từ khoảng cuối năm 2013. Đến cuối năm 2014, Creed Group đã đầu tư vào dự án City Gate Towers có quy mô hơn 1.000 căn hộ tại quận 8 của Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) thông qua việc mua trái phiếu của công ty này với giá trị 600 tỷ đồng. Đến năm 2015, tập đoàn này cùng với Công ty cổ phần đầu tư bất động sản An Gia đã ký kết hợp đồng đầu tư toàn diện. Theo đó, Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia để mua lại cổ phần, đầu tư vào dự án và chuyển giao công nghệ. Đến đầu năm 2016, một thương vụ đình đám khác, báo hiệu những kế hoạch đầu tư lớn của quỹ này tại thị trường Việt Nam, là cái bắt tay 3 bên giữa Công ty Phát Đạt, An Gia và Creed Group để thực hiện dự án River City tại quận 7 với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận một số quỹ đầu tư đến từ Nhật khác như Sanei Kenchiku Sekkei và tập đoàn Pressance hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Tiến Phát để phát triển các dự án bất động sản tại Việt Nam. Trước đó, Sayno Homes cũng đã đầu tư vào Tiến Phát để phát triển dự án Ascent Lakeside tại quận 7. Tập đoàn Okamura Home và Sayno Homes cũng đã hợp tác với Hoa Binh House thành lập liên doanh chuyên quản lý và vận hành các sản phẩm bất động sản. Còn tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý bất động sản hàng đầu Nhật Bản, đã hợp tác toàn diện với Công ty cổ phần Nhà Mơ phát triển dự án Dream Home Palace tại quận 8 với tổng vốn dự kiện 50 triệu USD…

Quỹ Sing thích M&A

Không giống như người Nhật, các quỹ đầu tư đến từ Singapore tập trung mua lại các dự án và bất động sản tại TP.HCM. Nổi bật là thương vụ giữa Keppel Land với chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2, trong đó nhà đầu tư đến từ đảo quốc Singapore đã nhận chuyển nhượng 40% dự án này, tương đương với 93,9 triệu USD.

Tương tự, tập đoàn Mapletree cũng đã mua lại 50%, tương đương 107,4 triệu USD tòa nhà phức hợp Kumho Asiana Plaza tại quận 1 từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asian Airlines. Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005, Mapletree hiện đang sở hữu và quản lý một danh mục đầu tư bao gồm văn phòng, bán lẻ, công nghiệp, dịch vụ hậu cần, tài sản và căn hộ dịch vụ. Tính cả Kumho Asiana Plaza, Mapletree hiện có tài sản hơn 1 tỷ đô la Sing (tương đương 735 triệu USD) tại Việt Nam.

Các giao dịch này đã gây nên tiếng vang lớn, thu hút các quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu như Blackstone Group, Goldman Sachs Group hoặc các chủ đầu tư nước ngoài đang muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư vào các thị trường mới nổi và các tập đoàn bảo hiểm muốn thành lập trụ sở văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong số các nhà đầu tư Singapore phải kể đến CapitaLand. Tập đoàn bất động sản này đã có mặt tại 4 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM, đầu tư trong lĩnh vực căn hộ thương mại và căn hộ dịch vụ. Mới đây, tập đoàn này thông qua công ty con là CapitaLand (Việt Nam) Holdings đã chi 51,9 triệu USD để “thâu tóm” toàn bộ khu đất vàng rộng 0,5 ha tại phường Cầu Kho.

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận sự đầu tư một số quỹ như Công ty chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) bắt tay với Tập đoàn AON BGN đầu tư 350 triệu USD mua lại tòa tháp Keangnam Landmark 72 tại Việt Nam. Quỹ đầu tư Global Emerging Market (Mỹ) rót 20 triệu USD vào Công ty địa ốc Hoàng Quân. Các tên tuổi lớn như Lotte cũng đã công bố rót vốn vào những dự án bất động sản đình đám tại khu Đông TP.HCM, một tỷ phú nước ngoài đã chi 15 triệu USD mua biệt thự biển Đà Nẵng,…

Sẽ tiếp tục vào

Theo các chuyên gia, khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, gỡ nút thắt cho người nước ngoài sở hữu nhà cùng với dòng vốn đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương có dấu hiệu chững lại, các thị trường khác trong khu vực kém hấp dẫn nên Việt Nam là một sự lựa chọn của các nhà đầu tư.

Thông thường, trước khi quyết định đầu tư các nhà đầu tư ngoại đã có một thời gian dài tìm hiểu kỹ lưỡng. Vốn đầu tư vào chủ yếu qua các thương vụ M&A, mua lại các dự án đang xây dựng dở dang,… nhằm hạn chế các rủi ro, thủ tục phức tạp khi đầu tư, tận dụng được nguồn lực có sẵn, hệ thống phân phối giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Giới chuyên gia cũng nhận định, trong những năm tới thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A, thu hút nguồn vốn từ nước ngoài.

Bất động sản đứng thứ 2 về thu hút FDI

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, bất động sản hiện đang đứng hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2016. Số liệu tính tới tháng 10 có 46 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 982,59 triệu USD.

Trong nhiều tháng qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã liên tục đứng thứ 2 và thứ 3 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam, cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Vũ Ngọc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.