22/05/2018 10:06 AM
CafeLand - Dòng vốn chảy vào bất động sản ngày một khó hơn, trong khi thị trường chứng khoán đang phát triển mạnh, cổ phiếu bất động sản nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Chính vì vậy, thị trường đang chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp bất động sản “đổ bộ” lên sàn.

Dòng vốn chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản sẽ ngày một khó hơn. Ảnh minh họa - Thu Hiền

Gần đây nhất, 2,67 tỷ cổ phiếu của Công ty cổ phần Vinhomes đã chính thức được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã VHM. Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 92.100 đồng/cổ phiếu. Ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu VHM đã tăng mạnh lên mức kịch trần 110.500 đồng/cổ phiếu và còn dư mua trần tới gần 2,7 triệu đơn vị. Vinhomes là chủ đầu tư dự án các khu đô thị lớn như Times City, Vinhomes Central Park.

Trước đó, hơn 40 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) cũng vừa được cấp giấy chứng nhận chứng khoán và mã giao dịch SLD. Samland là công ty bất động sản con của Sam Holdings (SAM). Samland cũng đang có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua việc phát hành riêng lẻ hoặc chào bán cổ phiếu ra công chúng. Dự kiến số vốn huy động được trong đợt phát hành này khoảng 600-800 tỷ đồng.

Hay ngày 12/5 mới đây, Công ty cổ phần Landmark Holding cũng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HoSE. Landmark Holding có vốn điều lệ 233 tỷ đồng, trụ sở tại 132 Hàm Nghi, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM. Đây là đơn vị phát triển dự án Manhattan Tower tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội, trên khu đất có diện tích 3.948,05 m2 với tổng vốn đầu từ trên 1.000 tỷ đồng

Một doanh nghiệp khác tại Hà Nội là Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát cũng công bố kế hoạch lên sàn trong năm 2018. Với vốn điều lệ trên 1.500 tỷ đồng, kết quả lợi nhuận năm 2017 đạt hơn 300 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) khoảng 4.000 đồng. Hải Phát tự tin mức giá khi lên sàn có thể lên tới trên 40.000 đồng/cổ phiếu.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản có mức tăng trưởng ấn tượng. Diễn biến tích cực là câu chuyện chung của nhiều cổ phiếu bất động sản như NLG, DIG, CEO, TDH,…

Giới trong ngành cho rằng, nguồn vốn từ ngân hàng thời gian tới dự kiến sẽ không còn dồi dào là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp tìm các nguồn vốn khác, trong đó có thị trường chứng khoán.

Theo TS.LS Bùi Quang Tín, hiện trên 70% dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào bất động sản. Thời gian vừa qua, ngân hàng đã đáp ứng nguồn vốn trung dài hạn vào bất động sản. Sắp tới các ngân hàng sẽ hạn chế nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, chuyển từ mức 60% xuống còn 40%. Đồng thời, tỷ lệ rủi ro cho vay bất động sản cũng được tăng từ 150% lên 250% theo quy định của Thông tư 06. Như vậy dòng vốn sẽ được siết lại.

“Không phân biệt tín dụng chảy vào người dân hay chủ đầu tư, trễ nhất là tới ngày 1/1/2020, toàn bộ hệ thống ngân hàng ở Việt Nam áp dụng chuẩn mực Basel II. Khi áp dụng chuẩn mực này, dòng vốn chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản sẽ ngày một khó hơn”, ông Tín nói.

Dù vậy chuyên gia này cho rằng, siết vốn chưa chắc là tín hiệu xấu cho bất động sản mà nhờ đó thị trường có thể được định hình lại, tái cơ cấu tốt hơn. Ngoài ra, việc ngân hàng siết chặt nguồn vốn trung dài hạn thì doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm đến kênh khác đa dạng hơn như chứng khoán và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dòng vốn này sẽ chảy vào thị trường bất động sản, nhất là với các chủ đầu tư có dự án đang có hoạt động kinh doanh tốt.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.