Tại Hội nghị hướng dẫn kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã cảm thấy “choáng váng” khi tiếp cận với các kế hoạch đầu tư được các Bộ, ngành, địa phương đưa lên. Có Bộ đưa lên nhu cầu vốn gấp 20 - 30 lần khả năng cân đối cho Bộ đó; các địa phương cũng gấp ít nhất 10 lần.
Cái cảnh nhà nghèo lại đông con, đứa nào cũng “khóc” váng nhà đòi được ăn, được bú, bố mẹ nào mà chẳng động lòng?
Thế nhưng, “cái bánh” ngân sách chỉ có vậy, vay nợ cũng có hạn định và được Quốc hội kiểm soát rất ngặt nghèo. Để có được nguồn vốn cho phát triển luôn luôn là bài toán nan giải.
Có một lối rẽ mới để tạo ra nguồn lực tài chính đã được Bộ GTVT thực hiện thành công trong mấy năm gần đây, đó là xã hội hóa việc thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Con số thống kê cho hay, từ năm 2012 về trước, ngành GTVT chỉ huy động được 22 dự án với tổng mức đầu tư khoảng hơn 49.600 tỷ đồng thì riêng năm 2013 đã huy động được 24 dự án tổng mức đầu tư 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút được 42.572 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015 con số này khoảng 45.000 tỷ đồng. Có thể nhận xét rằng, đây là bước đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông của nước nhà.
Còn nhu cầu vốn cho thị trường BĐS sẽ cần một ngã rẽ nào?
Theo GS Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai sửa đổi 2013, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Khung giá đất mới được thông qua sẽ có nhiều tác động tích cực vào thị trường BĐS. Tuy nhiên, ông cho rằng, bài toán vốn trung hạn và dài hạn cho thị trường BĐS vẫn được đặt ra như một vấn đề trọng yếu. Do đó, ông đề xuất cần tiếp tục có giải pháp vốn trên cơ sở cho phép nhà đầu tư được thế chấp bằng BĐS tại các ngân hàng nước ngoài để vay vốn đầu tư trung hạn và dài hạn.
Tóm lại, có thể tổng kết rằng, trước đây, khi tìm nguồn vốn đầu tư, mọi con đường đều hướng tới… ngân sách(!) thì nay có một lối rẽ khác, đó là nỗ lực đi tìm nguồn tiền của thiên hạ.