Kho bạc Nhà nước khẳng định luôn sẵn sàng nguồn vốn để giải ngân cho các dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, tính đến 30/11, mới giải ngân được 217.507,9 tỷ đồng cho nền kinh tế, bằng 64,3% so với kế hoạch năm.
Kho bạc nhà nước (KBNN) vừa công bố một số thông tin cơ bản về kết quả công tác năm 2016. Theo đó, từ đầu năm đến nay, KBNN đã thực hiện phát hành đa dạng các loại kỳ hạn Trái phiếu Chính phủ từ 3 năm đến 30 năm (trong đó, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn từ 5 năm trở lên) nhằm kéo dài kỳ hạn trung bình trái phiếu, nâng tổng số vốn huy động đạt 99,9% kế hoạch. Tuy nhiên, công tác giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp khiến nhiều dự án vẫn “đắp chiếu” chờ vốn.
Đầu tư xây dựng cơ bản thấp
Cũng theo số liệu công bố, đến ngày 30/11, chi thường xuyên qua hệ thống KBNN kiểm soát đạt 659.386 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng) bằng 78,8% dự toán năm.
Trong đó, chi xây dựng cơ bản đạt 217.507,9 tỷ đồng, bằng 64,3% so với kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2015, lũy kế vốn đầu tư giải ngân đạt 68,1% kế hoạch vốn đề ra.
Theo ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN), nguyên nhân là do tiến độ triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, thủ tục đầu tư, xây dựng còn phức tạp; Văn bản hướng dẫn luật và nghị định về đầu tư còn bất cập; Công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng các dự án chưa đáp ứng yêu cầu; Công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt và còn nhiều bất cập; Hồ sơ thanh toán vốn đầu tư còn rườm rà.
Ngoài ra, ông Hiệp cho rằng năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công nên còn nhiều vướng mắc trong các văn bản, quy định khi triển khai, các bên vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về hồ sơ, thủ tục, khiến tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm thấp.
Vốn cho nền kinh tế: Sẵn sàng nhưng khó giải ngân
Một trong những bộ thuộc nhóm chưa giải ngân được một nửa số vốn được giao là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Theo kế hoạch, năm 2016, Bộ này được giao gần 25.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ và sẽ phải giải ngân trên 90% trong năm, số còn lại phải giải ngân hết trong tháng 1/2017.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT mới giải ngân được hơn 40%. Lý giải cho tình trạng chậm giải ngân, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc thay đổi các quy định trong quá trình triển khai dự án cũng là nguyên nhân của tình trạng này.
Đại diện Bộ GTVT lấy ví dụ, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên, đã hoàn thành từ cuối năm 2015 nhưng đến nay, mới chỉ có 40% số vốn đăng ký của năm nay được giải ngân do thiếu vốn.
Giải thích nguyên nhân giải ngân chậm ở các dự án giao thông, bà Trịnh Thị Vân Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ (KBNN), cho biết, riêng với các dự án giao thông, vốn đối ứng từ năm ngoái trở lại đây Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt kiểm soát dự án ODA.
Sẽ giải ngân trong 4 ngày
Theo bà Vân Anh, KBNN chỉ được kiểm soát giải ngân trong phạm vi dự toán Chính phủ phê duyệt. “Thường thì ký hiệp định ODA rồi, sau 6 tháng, thủ tục giải ngân đã tiến triển được nhiều. Tuy nhiên, những dự án giao thông có đặc thù là phải triển khai có quy trình kỹ thuật. Khi triển khai dự án buộc phải có quy trình kỹ thuật, nhiều lớp lang nên trong suốt quá trình thực hiện, chủ đầu tư chỉ được tạm ứng một phần vốn theo ký kết là 30% hay 50%”, bà Vân Anh nói.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này, ngày 8/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CPyêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Sau Nghị quyết 60, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã tăng khá mạnh.
Về hướng giải ngân vốn trong thời gian tới, phía KBNN cho biết sẽ bám sát tiến độ các dự án. Đặc biệt, dự án vướng mắc GPMB thì yêu cầu địa phương vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài ra, KBNN cùng chủ đầu tư xác định số liệu tới thời điểm nhất định, đối chiếu làm sao nếu giải ngân không hết thì phải điều chỉnh ngay cho chỗ khác.
Bên cạnh đó, KBNN cam kết, sẽ giải ngân trong vòng tối đa 4 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của các dự án đủ điều kiện, không để tình trạng tồn đọng vốn tại KBNN, đồng thời, giảm áp lực trả nợ cho ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, việc trao đổi với các thành viên thị trường được thực hiện thường xuyên để nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.
Huyền Anh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.