Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VnDirect, lợi nhuận cho công ty mẹ Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (PLX) từ việc thoái vốn Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào khoảng 1.490 tỷ đồng.

PGBank được thành lập năm 1993 dưới tên Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười với số vốn điều lệ ban đầu 700 triệu đồng. Sau khi đi vào hoạt động 12 năm, đến năm 2005, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) tham gia góp vốn vào Ngân hàng, chính thức trở thành cổ đông chiến lược lớn và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, mã: PGB).

Đến năm 2013, ngân hàng chính thức trở thành tổ chức giao dịch công khai trên sàn UPCom với hơn 300 triệu cổ phiếu được giao dịch với mức giá 10.000đ/cp.

Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn điều lệ của PGB đạt 3.000 tỷ đồng – thuộc mức thấp nhất trong số các ngân hàng có cùng quy mô. Lý giải cho điều này là từ năm 2012, PLX đã lên kế hoạch về việc thoái vốn tại PGB để tập trung kinh doanh các mảng cốt lõi. Tuy nhiên, thương vụ này đã kéo dài đến gần 11 năm mà PGB vẫn chưa thể tìm thấy đối tác chiến lược thích hợp, dẫn đến việc trì hoãn của ngân hàng trong việc thực hiện tăng vốn mở rộng quy mô.

Ảnh minh hoạ.

Từ sau năm 2012, với chủ trương thoái vốn khỏi những ngành kinh doanh không cốt lõi, PLX đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi PGB và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược phù hợp cho ngân hàng.

Sau ba năm đàm phán, đến năm 2015, Vietinbank (mã: CTG) đã trình tới cổ đông kế hoạch sáp nhập PGB với tỷ lệ hoán đổi 1:0,9 (1 cổ phiếu PGB sẽ được đổi 0,9 cổ phiếu CTG). Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận và bị huỷ vào phút chót. Sau đó, HDBank (mã: HDB) là ngân hàng thứ 2 tiến tới bước đàm phán gần cuối với PGB khi hai bên cũng đã thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu (1 cổ phiếu PGB đổi lấy 0,621 cổ phiếu của HDB).

Tuy nhiên, cũng như thương vụ trên, mặc dù hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được NHNN thông qua vào năm 2018, nhưng đến năm 2021, cơ quan quản lý vẫn chưa chính thức chấp thuận cho giao dịch sáp nhập giữa hai bên khiến quá trình sáp nhập bị trì hoãn và kéo dài.

Trước tình hình đó, cả HDB và PGB đều trình cổ đông chấm dứt giao dịch sáp nhập tại đại hội cổ đông năm 2021 do thời gian thương vụ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của cả hai ngân hàng.

Tới đầu năm 2021, thị trường kỳ vọng về việc MaritimeBank (mã: MSB) sẽ thực hiện sáp nhập với PGB khi nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc tại PGB. Không chỉ vậy, một số các lãnh đạo của MSB cũng được điều chuyển sang PGB để nắm các vị trí chủ chốt.

Tuy nhiên, phải đến tận ĐHCĐ năm 2023, MSB mới trình ĐHCĐ thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam, mục đích nhằm tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự hướng tới việc tăng quy mô ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán VnDirect, với kế hoạch thoái vốn lần này, PLX thực hiện thoái vốn toàn bộ phần sở hữu tại PGB (120 triệu cổ phần – tương ứng với 40% sở hữu) theo hình thức đấu giá công khai, với mức giá khởi điểm 21.300đ/cp – tương ứng với P/B đạt khoảng 1,2 lần cho năm 2022.

Kết quả đấu thầu vừa qua có 4 nhà đầu tư trúng giá, trong đó 3 tổ chức và 1 cá nhân. Giá trúng cao nhất là 21.500 đồng/cp, chỉ cao hơn 200 đồng/cp so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp. Giá trúng bình quân là 21.400 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 2.568 tỷ đồng.

Theo ước tính của VnDirect, lợi nhuận cho công ty mẹ PLX từ việc thoái vốn PGB vào khoảng 1.490 tỷ đồng.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.