Mùa xây dựng cuối năm cũng là lúc thị trường VLXD diễn ra sôi động. Các mặt hàng VLXD thuần việt đang phải cạnh tranh khốc liệt với các hãng ngoại nhập. Đặc biệt các mặt hàng VLXD xuất xứ từ Trung Quốc.

Cũng như nhiều nhóm hàng hóa khác, ở ngành hàng VLXD, các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc đang chiếm một tỷ lệ khá lớn trên thị trường.

Khảo sát của PV quanh các tuyến phố chuyên về VLXD như Cát Linh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… đối với mặt hàng gạch ốp lát cho thấy, hàng Trung Quốc giá bán thường rẻ hơn hàng Việt từ 20 - 40% cùng loại.

Chị Nhung, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp sỉ, lẻ các mặt hàng gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh trên đường Trường Chinh nhận xét: “Ngoài ưu thế giá rẻ, gạch ốp lát xuất xứ Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, màu sắc so với các mặt hàng sản xuất trong nước. Do đó, dù muốn hay không, đa số cửa hàng vẫn bán hàng Trung Quốc”.

Bên cạnh giá rẻ, thế mạnh khác của hàng Trung Quốc trong lĩnh vực gạch ốp lát cập nhật mẫu mã rất nhanh. Tốc độ ra mẫu mới, màu mới của hàng trong nước chậm hơn so với hàng Trung Quốc.

Hàng Trung Quốc liên tục có mẫu, màu mới, bắt kịp với các xu hướng nội thất, khiến người tiêu dùng ngày càng xài hàng Trung Quốc nhiều hơn”, chị Nhung cho biết thêm.

Một trong những sản phẩm thiết thực và "ngốn" không ít tiền của người tiêu dùng là thiết bị vệ sinh. Tham khảo thị trường sứ vệ sinh, dễ dàng nhận thấy sự phân chia thị trường thành các tầng sản phẩm khá cách biệt.

Người nhiều tiền chọn những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như: Ceasar, American Standard, Inax… có giá thành tương đối cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một bộ sản phẩm.

Những sản phẩm "thuần Việt" như Thiên Thanh, Dona, Viglacera... có giá phải chăng như một bộ sản phẩm thiết bị vệ sinh của Viglacera có giá từ 8 – 10 triệu một bộ, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Tuy nhiên, hàng Việt Nam tuy có ưu điểm về giá rẻ, song ưu điểm này cũng đang bị cạnh tranh gay gắt, bởi hàng Trung Quốc khi thị trường lại đang tràn ngập hàng sứ vệ sinh dạng này với kiểu dáng đẹp, hiện đại và giá hợp lý.

Chị Yến, chủ cửa hàng VLXD trên đường Hoàng Quốc Việt nhận xét: "Sản phẩm sứ vệ sinh của doanh nghiệp Việt Nam mới đơn thuần đáp ứng được công năng sử dụng và đang bị đẩy lùi xuống phân khúc trung bình và thấp. Song, ở phân khúc này, các DN Việt Nam lại phải cạnh tranh với hàng trôi nổi nhập từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng và chất lượng không được kiểm soát".

Ngoài ra, bằng những thủ đoạn tinh vi làm nhái các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Ceasar, American Standard… mặt hàng gốm sứ Trung Quốc thu được nhiều lợi nhuận nhất.

Chẳng hạn loại bồn tắm bằng nhựa giá bán trên thị trường hiện nay từ 5 triệu-10 triệu đồng/cái (trong khi giá vốn chỉ vài triệu đồng), bồn tắm có massage thì vô tư hét giá từ 10 triệu cho đến 30 triệu đồng/bộ, tùy loại “ấn tượng” cỡ nào, trong khi giá vốn không đến 5 triệu đồng.

Theo những nhà kinh doanh thiết bị vệ sinh cảnh báo, khách hàng hãy cẩn thận với hàng nhái. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhái, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc được làm rất tinh vi từ con tem tới kiểu dáng nhưng chất lượng thì không thể quản lý.

Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA). Hiện Trung Quốc sản xuất khoảng gần 9 tỷ m2 gạch ốp lát và trên 100 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, chiếm gần 80% sản lượng toàn thế giới. Cung của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu sử dụng nội địa.

Thông qua các con đường chính ngạch và tiểu ngạch, hàng gốm sứ Trung Quốc đã và đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam (trong khi tại nhiều nước trên thế giới đang áp thuế chống bán phá giá đối với hàng gốm sứ xây dựng Trung Quốc). Chính vì thế, hiển nhiên gốm sứ Trung Quốc nhiều đến mức áp đảo cả thị trường gốm sứ Việt Nam.

Vũ Quang – Thành Luân (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.