Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình.

Vĩnh Phúc tháo gỡ điểm nghẽn, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công

Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những hạng mục cuối cùng.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh dự kiến đạt trên 171 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 8,1%/năm. Nguồn vốn này được sử dụng chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh.

Tính riêng năm 2020, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh hơn 6.624 tỷ đồng, trong đó, gần 6.475 tỷ đồng là vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương và gần 150 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương.

Trên cơ sở tập trung ưu tiên thanh toán nợ, đầu tư cho các công trình chuyển tiếp, chỉ bố trí vốn cho dự án mới khi bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trình và phân bổ, giao xong 100% vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các ngành, địa phương.

Thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về thi hành Luật Đầu tư công, cụ thể trong lĩnh vực quản lý đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành phân cấp triệt để thẩm quyền quyết định đầu tư và quản lý đầu tư cho các địa phương, cũng như thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình và ủy quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố được quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C (phân loại tùy theo mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công) trong phạm vi ngân sách và khả năng cân đối ngân sách của địa phương sau khi có chủ trương đầu tư được duyệt.

Đối với các xã, phường, thị trấn được quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm C trong phạm vi ngân sách và khả năng cân đối ngân sách của địa phương sau khi có chủ trương đầu tư được duyệt.

Đối với thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình và ủy quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, UBND tỉnh phân cấp cho UBND cấp huyện tổ chức thẩm định đối với dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp huyện, xã quyết định đầu tư theo phân cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất). Đồng thời ủy quyền cho UBND cấp huyện tổ chức công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với công trình cấp III, IV thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng, sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (trừ công trình điện năng; công trình theo tuyến đi qua 2 huyện trở lên; công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng theo quy định của Chính phủ) do UBND cấp huyện, UBND cấp xã quyết định đầu tư theo phân cấp.

Việc ban hành các văn bản phân cấp, phân quyền này đã tạo cơ sở thống nhất để các sở, ngành, UBND các cấp trong tỉnh sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Tạo điều kiện để cho các ngành, địa phương chủ động, điều hành linh hoạt, tự cân đối, ưu tiên, tập trung nguồn vốn cho các dự án lớn, góp phần hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm, gây mất cân đối trong chi đầu tư phát triển.

Mặt khác, vẫn đảm bảo thẩm quyền, sự công khai, minh bạch trong việc bố trí vốn đầu tư phát triển giữa tỉnh và các địa phương. Loại bỏ dần sự rườm rà trong quá trình giao vốn đầu tư, cắt giảm nhiều khâu, nhiều bước, nhiều tầng kiểm tra không cần thiết liên quan đến thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế dự án...

Từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, giải quyết những nguyên nhân chủ quan khiến nhiều dự án, công trình tại các địa phương chậm giải ngân và triển khai thi công, bên cạnh những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, trên quan điểm phân cấp đầu tư theo hướng “tăng phân cấp, tăng trách nhiệm, tăng hậu kiểm”, các văn bản cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương được phân cấp cũng như đưa ra các chế tài xử lý, quy định hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý đầu tư.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công, tập trung giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, mặc dù chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu tích cực.

Tính đến hết tháng 8/2020, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt trên 3.963 tỷ đồng (đạt gần 60% kế hoạch Chính phủ giao; đạt hơn 32% kế hoạch của địa phương). Trong đó, tỷ lệ giải ngân của một số ngành, lĩnh vực có dấu hiệu khả quan, như: Hạ tầng công cộng (trên 61%); An ninh và phòng cháy chữa cháy (gần 77%); Khoa học công nghệ và công nghệ thông tin (hơn 45%); Giáo dục và Đào tạo (gần 47%); Y tế (gần 48%); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trên 54%)...

Từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tập trung cao độ, huy động tối đa mọi nguồn lực và tháo gỡ các điểm nghẽn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020.

  • Huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Nỗ lực giải phóng mặt bằng cho các dự án

    Huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Nỗ lực giải phóng mặt bằng cho các dự án

    Là địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua huyện Yên Lạc đã tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, các ban, ngành đoàn thể thực hiện nghiêm túc công tác GPMB, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo mặt bằng sạch cho các dự án triển khai, đảm bảo đúng tiến độ.

Văn Nhất (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.