04/08/2017 3:45 PM
Được phân nhà từ những năm 1975-1980, đến nay nhiều hộ đã có 2-3 thế hệ cùng sinh sống nhưng chưa gia đình nào trong Khu tập thể Phân khoáng Apatit cũ, thuộc tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ).
Nhà xuống cấp, cũng không được sửa chữa
Theo đơn gửi tới tòa soạn Pháp luật Plus của các hộ dân Khu tập thể Phân khoáng Apatit cũ, thuộc tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết. Phần đất hiện các hộ dân đang sinh sống ổn định trước kia thuộc công ty Phân khoáng Apatit, đến năm 1990 phần đất này thuộc Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam quản lý.
Ngày 20/1/2016 theo Quyết định 214/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho UBND thị xã Phúc Yên quản lý và xét giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đã sinh sống trên diện tích đất này.
Quyết định 214/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại tất cả các hộ dân sinh sống tại Khu tập thể Phân khoáng Apatit cũ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định 214 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều quan ngại hơn, nhiều hộ dân sinh sống tại đây muốn sửa chữa nhà xuống cấp những đã bị chính quyền gây khó dễ
Bà Quán Thị Vinh tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên phản ánh: "Gia đình tôi ở trên mảnh đất này từ cuối những năm 1970, hiện có 3 thế hệ sinh sống, nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị đơn vị chủ quản và chính quyền các cấp sớm cấp để người dân yên tâm sinh sống nhưng vẫn không được giải quyết. Nhiều hộ trong Khu tập thể có nhà xuống cấp nghiêm trọng, muốn sửa chữa, xây mới nhưng không thể xin cấp phép xây dựng.”.
Nhà xuống cấp nhưng các hộ dân Khu tập thể Phân khoáng Apatit cũ, thuộc tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên gặp khó khăn trong việc sửa chữa.
Cùng tâm trạng, ông Phạm Văn Đàn cho biết: “Gia đình nhà tôi được công ty Phân khoáng Apatit cũ cấp nhà từ những năm 1970, cho đến những năm vừa qua nhà đã xuống cấp, dột nát tiến hành sửa chữa thì bị phường Trưng Trắc vào lập biên bản cưỡng chế và yêu cầu nhà tôi dừng việc sửa chữa. Tôi không thể hiểu tại sao chúng tôi chỉ có một căn nhà duy nhất để sinh sống nay nhà dột nát, bỏ tiền ra sửa chữa thì lại bị cưỡng chế. Nếu nhà chúng tôi sập thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.”
Ngoài nỗi khổ kể trên, các hộ dân Khu tập thể Phân khoáng cũ, thuộc tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên còn chịu nhiều thiệt thòi so với các hộ dân khác trên địa bàn: Không được đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đường điện, hệ thống cấp nước sạch, cống thoát nước…
"Những năm trước, mỗi khi trời mưa to cả Khu tập thể này ngập sâu trong nước, làm đảo lộn cuộc sống. Chúng tôi phải tự bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống giao thông, đường nước sinh hoạt, cống thoát nước, đường điện. Đến nay muốn sửa chữa nhà để ở cho đỡ mưa gió hắt vào thì lại bị cưỡng chế không cho cải tạo.” Bà Vũ Thị Hòa bức xúc cho biết.
Chính quyền đang mua dây buộc bụng các hộ dân?
Theo tìm hiểu của Phóng viên thì lý do mà những hộ dân ở đây chưa được các cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do các hộ không đồng ý với quy hoạch chi tiết của UBND phường Trưng Trắc lập.
Đa số hộ dân Khu tập thể Phân khoáng Apatit cũ, thuộc tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên muốn các cấp chính quyền lập quy hoạch tại chỗ (tức là nhà ai đang sử dụng diện tích bao nhiêu thì cấp từng đấy).
Trao đổi với Pháp luật plus Ông Đinh Mạnh Dũng, Phó phòng Quản lý đô thị thị xã Phúc Yên cho biết:
“Nếu quy hoạch theo hiện trạng như ý kiến của các hộ dân thì sẽ rất bất cập. Bởi nó không phù hợp với quy chuẩn xây dựng 208 và tạo ra sự không công bằng giữa các hộ, có những hộ diện tích chỉ mấy chục mét vuông có những hộ lại được hàng trăm mét. Sau này sẽ dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại.”
Ông Đinh Mạnh Dũng, Phó phòng Quản lý đô thị thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Tuy nhiên, khi phóng viên tiếp xúc với nhiều hộ dân tại Khu tập thể Phân khoáng cũ, thuộc tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên thì được biết, các diện tích nhà và đất họ đang sinh sống nhiều năm này mà không có ai khiếu kiện, khiếu nại của nhau.
“Tất cả các hộ gia đình sinh sống tại đây đều muốn các cấp thẩm quyền quy hoạch tại chỗ, nhà nào được bao nhiêu mét vuông từ trước tới giờ thì hãy cấp sổ đỏ cho người ta như vậy.” Bà Quán Thị Vinh tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên cho biết.
Các hộ dân tại đây cũng cho hay, nếu đồng ý với phương án quy hoạch chi tiết của phường Trưng Trắc thì sau nay các hộ gia đình sẽ lại phải bỏ tiền làm hệ thống đường giao thông, đường điện, đường nước một lần nữa, điều này là rất tốn kém.
Hệ thống đường giao thông, điện, đường ống nước sinh hoạt các hộ dân ở đây đều phải tự bỏ tiền ra đầu tư.
Hơn nữa, việc quy hoạch này sẽ khiến các hộ dân tại đây mất nhà buộc họ phải xây mới. Với đồng lương ít ỏi, sống qua ngày con khó khăn, việc xây mới một căn nhà là điều không tưởng đối với nhiều hộ nơi đây.
“Việc các cấp thẩm quyền yêu cầu các hộ dân chúng tôi phải đồng ý với quy hoạch của họ thì mới cấp sổ đỏ là không hợp lý, nó làm rắc rối và gây khó dễ cho những hộ dân chúng tôi. Để nhanh chóng và giảm chi phí chúng tôi yêu cầu hãy cấp sổ đỏ như hiện trạng với đất và nhà chúng tôi đã ở bao nhiêu năm nay tại đây.” Bà Vũ Thị Hòa cho biết.
Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể thấy việc quy hoạch tại chỗ diện tích đất ở thuộc tổ 2 phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) là hợp lý, không tốn chí phí và quan trọng là hợp với lòng dân.
Nhưng không hiểu vì lý do gì mà phường Trưng Trắc và UBND thị xã Phúc Yên lại muốn làm rắc rối thêm vấn đề khi yêu cầu các hộ dân tại đây phải đồng ý với quy hoạch chi tiết thì mới tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Pháp luật plus
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.