Bán “nhầm” tài sản!
Tháng 12/2012, Cty TNHH một thành viên Thương mại và Du lịch Vinashin Quảng Bình (Vinashin Quảng Bình) đã chấp nhận để Vietcombank Quảng Bình phát mãi toàn bộ tổ hợp khách sạn Phong Nha đang cải tạo nằm trên đường Trương Pháp, TP. Đồng Hới. Tuy nhiên, “thương vụ” này đã bị các nhà thầu đang thi công cải tạo khách sạn Phong Nha ngăn cản. Họ cho rằng, Cty Vinasin Quảng Bình chỉ là chủ đầu tư khách sạn Phong Nha, nhưng khối tài sản trên là do các nhà thầu xây dựng nên. Trong khi phía Vinasin Quảng Bình chưa thanh toán đồng xu nào cho họ, thì các hợp phần để hình thành nên khách sạn Phong Nha vẫn thuộc về các nhà thầu.
Mặc dù các nhà thầu đã có đơn yêu cầu dừng việc phát mại để cùng chủ đầu tư chốt khối lượng công trình, và phương thức thanh toán giá trị của công trình, tuy nhiên phía Vinasin Quảng Bình đã phớt lờ, mặc nhiên cho Vietcombank Quảng Bình bán khối tài sản nói trên để thu hồi nợ. Đại gia khách sạn Mường Thanh, Lê Thanh Thản đã mua được khối tài sản trên với giá hơn 35 tỉ đồng.
Được biết, hiện Vinasin Quảng Bình nợ Vietcombank Quảng Bình tổng cộng gần 60 tỉ đồng, trong đó khách sạn Phong Nha được thế chấp vào năm 2004 là hơn 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, Vietcombank Quảng Bình đã thu nợ gần 27 tỉ đồng từ số tiền bán khách sạn Phong Nha, chỉ để lại cho Vinasin Quảng Bình hơn 7 tỉ đồng. Số tiền để lại này không đủ để tra cho các nhà thầu đã tham gia cải tạo khách sạn Phong Nha.
Nói về việc đồng ý cho Vietcombank thu hồi quá số nợ thế chấp khách sạn Phong Nha (cả gốc và lãi chỉ khoảng 15 tỉ), dẫn đến không đủ tiền trả cho các nhà thầu, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Vinasin Quảng Bình cho biết: Đã có sơ suất, không nắm luật nên bị hớ, dẫn đến sai sót trong việc bán khách sạn Phong Nha. Phía Vinasin Quảng Bình đã nhiều lần làm việc lại với Vietcombank nhưng không thành công. “Đáng ra chúng tôi chỉ nên trả nợ trong phần thế chấp khách sạn Phong Nha thôi. Giờ lỡ rồi, mọi chuyện do ngoài tổng Vinasin quyết định” - ông Thành nói.
Đại diện một trong các nhà thầu, ông Đào Viết Hồng (công ty Nam Triệu, Hải Phòng) cho rằng: Cải tạo khách sạn Phong Nha có hai nhà thầu, giá trị xây lắp cho đến thời điểm ngân hàng phát mại trên 22 tỉ đồng, trong đó công ty Nam Triệu chiếm hơn 10 tỉ. Đơn vị ông thi công hai gói thầu là cải tạo, nâng cấp khu nhà 3 tầng (khu B) và xây mới khu nhà nghỉ massge 3 tầng. “Nếu chúng tôi không bỏ tiền cải tạo, xây dựng mới, thử hỏi khách sạn Phong Nha có bán được giá đó không. Đó là tiền của chúng tôi, là tài sản thuộc về chúng tôi khi chủ đầu tư chưa thanh toàn. Đặc biệt, Khu nhà nghỉ massage 3 tầng được xây mới, không nằm trong phần thế chấp vẫn bị Vietcombank đem bán” - ông Hồng nói.
Người ưu ái, kẻ bị bỏ rơi
Mặc cho các nhà thầu phản ứng, khách sạn Phong Nha vẫn được bán mà theo dư luận là giá quá bèo, vì quyền sử dụng khu “đất vàng” đã bị Vinasin “quên” không đưa vào đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu, ngày 02/7/2013, TAND TP. Đồng Hới đã ra QĐ số 01/2013/QĐ-BPKCTT: “…buộc Chi nhánh khách sạn Mường Thanh – Sông Lam – Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và Cty Vinashin Quảng Bình tạm dừng việc thi công, xây dựng, cải tạo tại khu vực nhà phụ 03 tầng, khu nhà massage, văn phòng và các khu phụ trợ khác thuộc gói thầu số 3 do Cty Nam Triệu đầu tư xây dựng tại khu vực khách sạn Phong Nha Quảng Bình…”.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, không hiểu sao cũng chính TAND TP. Đồng Hới hủy quyết định nói trên. Theo ông Hồng, người đại diện cho Công ty Nam Triệu thì TAND TP. Đồng Hới đã chịu áp lực từ lãnh đạo UBND và TAND tỉnh Quảng Bình. Bằng chứng, là trước đó, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã ra công văn yêu cầu Vinashin Quảng Bình khẩn trương phối hợp với Vietcombank Quảng Bình bàn giao tài sản cho đơn vị trúng thầu.
“Thật nực cười, không hiểu UBND tỉnh Quảng Bình đã dựa vào cơ sở nào để thúc ép việc bàn giao tài sản đang có tranh chấp. Mường Thanh cũng như Nam Triệu là những đơn vị đến làm ăn trên địa bàn Quảng Bình, tại sao tỉnh lại ưu ái Mường Thanh mà lại bỏ rơi chúng tôi?. Việc can thiệp của UBND tỉnh Quảng Bình là trái luật, là tiếm quyền của tòa án” - ông Hồng bức xúc nói.