Phó Thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tavio. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Tại cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị quốc tế về Tài chính cho Phát triển tại Seville (Tây Ban Nha) ngày 30/6, lãnh đạo cấp cao hai nước tái khẳng định quyết tâm đưa quan hệ Việt Nam – Phần Lan phát triển mạnh mẽ hơn nữa, với trọng tâm là kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 550 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 310 triệu USD, chủ yếu là hàng dệt may, đồ gỗ, linh kiện điện tử, nông sản và nhập khẩu khoảng 240 triệu USD từ Phần Lan, gồm thiết bị máy móc, sản phẩm công nghệ cao, vật tư y tế...
Phía Phần Lan đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm tại khu vực Đông Nam Á, có sức bật lớn nhờ nền kinh tế mở, lực lượng lao động dồi dào và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện. Đại diện Phần Lan đề xuất hai nước cần tận dụng hơn nữa cơ hội từ Hiệp định EVFTA, đồng thời thúc đẩy các dự án đầu tư trong lĩnh vực nước sạch, công nghệ thông tin, truyền thông, đóng tàu, giáo dục đào tạo, vốn là các thế mạnh nổi bật của Phần Lan.
Một trong những nội dung được phía Phần Lan đặc biệt nhấn mạnh là hợp tác về năng lượng tái tạo và chuyển đổi xanh. Nước này sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi, dự án thuộc khuôn khổ EU nhằm triển khai quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng sạch và hạ tầng bền vững.
Phía Việt Nam đánh giá cao đề xuất này, coi đây là lĩnh vực ưu tiên để hiện thực hóa các cam kết về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam mong muốn Phần Lan cùng các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA, qua đó tạo khung pháp lý ổn định, minh bạch và bảo đảm lợi ích song phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kêu gọi EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hải sản xuất khẩu, giúp ngành thủy sản trong nước tiếp cận hiệu quả hơn thị trường châu Âu.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Tây Ban Nha, lãnh đạo Việt Nam cũng đến thăm nhà máy sản xuất máy bay quân sự của Airbus tại Sevilla. Tại đây, hai bên đã trao đổi về việc mở rộng hợp tác trong ngành hàng không và chuỗi cung ứng kỹ thuật cao.
Airbus hiện là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực hàng không, không chỉ cung cấp máy bay cho các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, mà còn hỗ trợ đào tạo kỹ sư, chuyển giao công nghệ bảo trì – bảo dưỡng và hợp tác phát triển vệ tinh VNREDSat-1 (năm 2013).
Doanh thu của Airbus trong năm 2024 đạt 69,2 tỷ Euro, hiện diện tại hơn 180 quốc gia với trên 156.000 nhân viên, là tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ hàng đầu châu Âu.
Tập đoàn bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực: hiện đại hóa đội bay, nâng cao năng lực bảo dưỡng nội địa, hỗ trợ đào tạo nhân lực và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
-
Phần Lan muốn hợp tác với Việt Nam để xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Chiều ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Arto Olavi Satonen, Bộ trưởng phụ trách việc làm thuộc Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, cùng đoàn công tác trong chuyến thăm Việt Nam.
-
Phần Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải khí về 0 vào năm 2050
Ngày 28/11, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Phần Lan, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Rikka Purra. Cuộc gặp gỡ này đã mở ra những triển vọng mới trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
-
Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất tại ASEAN của Phần Lan
Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-Aho khẳng định Phần Lan coi Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất trong ASEAN và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam nhằm phát huy tối đa tiềm năng giữa hai nước.







