Ngày 1/12, tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) gồm: Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy.
Tuyên bố JETP đã được Việt Nam và các thành viên IPG thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussel, Vương quốc Bỉ vào tháng 12/2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Ảnh: VGP
Với việc công bố kế hoạch này, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.
Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư.
Với các khoản tài trợ thông qua JETP, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo...
Khoản tài trợ này cũng sẽ giúp phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân, phát triển trung tâm năng lượng tái tạo, pin lưu trữ...
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định để đạt được chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Việt Nam đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ và tham vọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó xây dựng nhiều chiến lược theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo, trồng một triệu ha lúa phát thải thấp...
Thủ tướng đề nghị các đối tác quốc tế ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên 5 lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm: phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá.
Từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, góp phần bảo đảm tương lai thịnh vượng cho mọi người dân, tăng trưởng kinh tế, tự chủ và an ninh năng lượng của Việt Nam.
Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt nhấn mạnh kế hoạch do Việt Nam xây dựng và làm chủ, phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
-
Thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành năng lượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1447/QĐ-TTg ngày 22/11 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
-
“Ông lớn” năng lượng Mỹ thông tin về dự án nhà máy nhiệt điện 2,1 tỷ USD tại Ninh Thuận
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đại diện Tập đoàn AES (Mỹ) đã báo cáo về tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II mà tập đoàn này đang đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận....
-
Doanh nghiệp FDI có hơn 3.000 lao động làm việc tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực điện gió
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo Doosan Vina mong muốn Việt Nam tạo điều kiện để công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm các cơ hội, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tron...
-
Các dự án điện lớn trên cả nước đang được triển khai đến đâu?
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Không còn lý do để trì hoãn, nếu tiếp tục trì hoãn Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Chính phủ thu hồi....