05/10/2013 7:44 AM
Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng từng phản ánh về thực trạng Đà Nẵng không bán được đất, thiếu nguồn thu cùng một số vướng mắc trong phát triển kinh tế. Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán nói gì về điều này?

Dự kiến cuối năm 2013 khu trung tâm hành chính đi vào hoạt động, tạo diện mạo mới cho Đà Nẵng

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng nguồn thu ngân sách Đà Nẵng lâu nay dựa vào việc bán đất, điều này đúng hay sai?

Ông Nguyễn Văn Cán: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) thì thu tiền sử dụng đất cũng là một khoản thu ngân sách (NS) và số tiền thu này chỉ được bố trí cho nhiệm vụ chi đầu tư (không sử dụng chi thường xuyên).

Như chúng ta đã biết, thành phố (TP) Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1997, với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, kinh tế còn nhiều khó khăn (tổng thu cân đối NS thành phố năm 1997 chỉ có 1.150 tỷ đồng; trong đó thu nội địa từ thuế, phí: 637 tỷ, thu tiền sử dụng đất: 45 tỷ)...

Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là nguồn lực để phát triển TP xứng tầm với một đô thị hiện đại, lấy tiền đâu để đầu tư? Không thể thu hút, kêu gọi phát triển kinh tế với cơ sở hạ tầng nghèo nàn lạc hậu như thế, còn chỉ trông chờ từ NS trung ương hỗ trợ thì không thể đủ nguồn vốn để phát triển. Từ đó, phương án khai thác quỹ đất được đưa ra, thông qua và triển khai.

Với quy hoạch tổng thể được đề ra, triển khai một cách đồng bộ, nhiều chủ trương hợp lòng dân và đầu tư xây dựng đúng quy hoạch, từ đó diện mạo TP đã dần hình thành, phát triển. Nguồn thu tiền sử dụng đất ngày càng tăng phục vụ cho công cuộc xây dựng TP, các nhà đầu tư tìm đến TP tăng dần qua từng năm...

Theo đó, năm 2000 tổng thu cân đối NS thành phố là 1.375 tỷ đồng; trong đó thu nội địa từ thuế, phí 680 tỷ, thu tiền sử dụng đất 50 tỷ. Năm 2005, tổng thu NS thành phố 4.420 tỷ đồng; trong đó thu nội địa từ thuế, phí 1.585 tỷ, thu tiền sử dụng đất 1.803 tỷ (tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2001-2005 là 20,32%/năm). Năm 2010, tổng thu cân đối NS thành phố là 11.450 tỷ đồng; trong đó thu nội địa thuế, phí 4.700 tỷ, thu tiền sử dụng đất 4.600 tỷ (tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2006 - 2010 là 25,09%/năm).

Năm 2011, khi nền kinh tế cả nước bắt đầu rơi vào khó khăn thì nguồn thu NS thành phố vẫn đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch khá cao so với cả nước; trong đó nguồn thu từ thuế, phí tăng lên trên 5.500 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2010.
Năm 2012 vừa qua, số giao dự toán của trung ương cho Đà Nẵng khá cao, tổng thu nội địa từ thuế, phí tăng 23% so với số thực hiện năm 2011, trong đó thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh trung ương giao tăng 45% so với số thực hiện năm 2011. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu khủng hoảng, cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng đều bị ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương miễn giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và đó cũng là một nguyên nhân làm cho số thu NS Đà Nẵng nói riêng cũng như các tỉnh thành khác nói chung bị giảm.Số thu NS nội địa từ thuế, phí năm 2012 của Đà Nẵng đạt 5.198 tỷ đồng, giảm 5,61% so với năm 2011.

Năm 2013, ngay từ đầu năm, xác định trước tình hình khó khăn, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đưa ra giải pháp quyết liệt, kịp thời trong công tác chỉ đạo thu NS nên nhìn chung đến nay số thu NS thành phố vẫn đạt tiến độ kế hoạch và ở mức khá so với tỷ lệ chung của cả nước. Kết quả thu NSNN trong cả nước 7 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 52,6% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 51,6% so với dự toán - mức thu đạt thấp nhất trong nhiều năm qua thì 7 tháng đầu năm 2013 tổng thu nội địa của TP.Đà Nẵng là 4.867.556 triệu đồng, đạt 59,6% dự toán. Và số thu nội địa 8 tháng của TP là 5.585.810 triệu đồng, đạt 68,4% dự toán; trong đó thu từ thuế, phí là 4.330.075 triệu đồng, đạt 69,9% dự toán, thu tiền sử dụng đất 1.152.605 triệu đồng, đạt 64% dự toán. Dự kiến thu 9 tháng TP sẽ đạt 74,95% dự toán; trong đó thu từ thuế, phí sẽ đạt 77,71% dự toán.
Như vậy, từ những số liệu trên, có thể thấy rõ rằng thu từ đất là một nguồn thu quan trọng để đảm bảo đầu tư phát triển TP và nhờ nguồn thu từ thuế, phí từ doanh nghiệp ngày càng tăng sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định bền vững của TP hiện tại và trong tương lai.

- Khi đất không còn là “chỗ dựa” thu NS, Đà Nẵng tăng thu bằng cách nào? Tại sao phải rao bán trụ sở Sở Tư pháp và những khu đất vàng khác, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Cán: TP. Đà Nẵng xác định nguồn thu từ đất chỉ thực hiện trong một giai đoạn và nếu không có nó thì Đà Nẵng không được diện mạo như bây giờ. Bước đệm đó thu hút nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp... đầu tư vào Đà Nẵng, từ đó tạo nguồn thu từ thuế, phí một cách ổn định (như số liệu đã nêu trên). Có thể nêu ra một vài doanh nghiệp đầu tư bắt đầu có nguồn thu nộp NS thành phố, như: Cty TNHH VBL Đà Nẵng nộp thuế năm 2012 là 260.892 triệu đồng, còn 8 tháng đầu năm 2013 là 508.715 triệu đồng; Cty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà số thuế nộp năm 2012 là 7.998 triệu đồng, còn 8 tháng đầu năm 2013 là 18.985 triệu đồng; Cty TNHH TCIE Việt Nam (lắp ráp ôtô Nissan, mới xuất xưởng năm 2013) số thuế nộp năm 2012 chỉ mới 12 triệu đồng, nhưng 8 tháng đầu năm 2013 đã tăng 31.742 triệu đồng...

Ngoài ra, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có những bước chuyển mình khác nữa khi các khu công nghệ cao, khu công nghiệp tập trung (hiện đang triển khai) đi vào hoạt động... sẽ tạo nguồn thu ổn định cho NS thành phố.
Theo chủ trương của TP xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung, khi đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2013) sẽ chuyển các sở ban ngành về làm việc thì các khu đất trụ sở cũ sẽ được TP chuyển nhượng để bổ sung vào NS thành phố dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Chủ trương này đáp ứng xây dựng bộ máy xử lý hành chính tập trung theo mô hình hiện đại, giải quyết được vấn đề kinh tế - xã hội, đồng thời sẽ thay đổi diện mạo TP khi yêu cầu các đơn vị mua lại trụ sở cũ phải xây dựng theo đúng quy hoạch.

- Thưa ông, hiện Đà Nẵng đang có rất nhiều dự án “treo”, TP xử lý vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Cán: Hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có 82 dự án đầu tư, chủ yếu là lĩnh vực du lịch và bất động sản, với tổng vốn đầu tư 334.998,5 tỷ đồng và 1.717 triệu USD, trong đó có 19 dự án đầu tư nước ngoài và 63 dự án đầu tư trong nước. Tính đến cuối năm 2012 đã có 17 dự án đưa vào hoạt động, góp phần xây dựng hình ảnh TP về du lịch và tăng nguồn thu NSNN; trong đó 6 dự án có tiến độ triển khai khá tốt, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Hiện có 14 dự án trong nước chậm tiến độ. 39 dự án chưa triển khai, trong đó gồm 12 dự án đầu tư nước ngoài và 27 dự án đầu tư trong nước.

Lãnh đạo TP đã chỉ đạo các sở, đơn vị liên quan rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng tại các dự án trên toàn địa bàn. Theo đó, xem xét phân loại đồ án trên cơ sở quy hoạch tổng thể theo hình thức: đồ án quy hoạch tiếp tục triển khai, đồ án tạm dừng chờ triển khai và các đồ án hủy bỏ quy hoạch, trong đó lưu ý vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật tại khu vực đất nông nghiệp... Bên cạnh đó, đảm bảo các chính sách, quyền lợi về đất đai và xây dựng nhà ở của nhân dân tại khu vực có dự án kèm theo sau khi điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, phân loại các dự án đầu tư chậm triển khai và chưa triển khai theo quận huyện, chia làm ba nhóm: nhóm dự án đề xuất điều chỉnh; nhóm dự án hủy bỏ, thu hồi; nhóm dự án cần tiếp tục triển khai nhưng yêu cầu chủ đầu tư có văn bản cam kết tiến độ thực hiện. Sau khi các đơn vị rà soát thống kê và đề xuất, lãnh đạo TP sẽ họp xem xét từng trường hợp cụ thể.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Hoài (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.