Mặc dù từng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho thị trường bất động sản nhưng nhà ở xã hội trong thời gian gần đây đã dần kém hấp dẫn vì nhiều lý do. Trong đó, việc người mua phải chờ đợi các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện hoặc thi công với tiến độ “rùa” được coi là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên.
Chương trình nhà ở xã hội được coi là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nói chung và ngành xây dựng nói riêng. Ngay từ khi “khai sinh”, chủ trương này đã lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận do tính thiết thực và mang nhiều ý nghĩa cả về kinh tế - chính trị - xã hội.
Bởi lẽ, nếu thực hiện thành công, nhà ở xã hội sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu bức xúc về nhà ở hiện nay đặc biệt là cộng đồng những người có thu nhập thấp. Đây vốn được coi là một trong những bài toán khó nhất đối với Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, dù chỉ mới thực sự đi vào thực hiện nhưng nhà ở xã hội đã và đang dần mất đi sự hấp dẫn vốn có của nó bởi nhiều lý do.
Việc khan hiếm các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà ở xã hội kém hấp dẫn.
Do đó, dù Chính phủ và ngành xây dựng đang có nhiều giải pháp đưa ra hàng loạt những giải pháp tích cực nhằm kích cầu nhưng nhà ở xã hội vẫn bị mắc kẹt và tiếp tục tạo nên những khó khăn riêng cho thị trường bất động sản.
Thời gian gần đây, thị trường liên tiếp đón nhận những tin vui được các dự án căn hộ thu nhập thấp loan báo với giá siểu rẻ chỉ khoảng 300 - 400 triệu đồng/căn hộ.
Ngay lập tức, thông tin này đã tạo được hiệu ứng lan tỏa toàn thị trường với sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận nhất là những người thu nhập thấp đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Hà Nội.
Có thể kể ngay được những gương mặt tiêu biểu này như: dự án “căn hộ 100 triệu” tại khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm với con sốt về việc chỉ phải trả trước 100 triệu đồng là đã được sở hữu căn hộ thu nhập thấp.
Hay như dự án căn hộ thu nhập thấp Đặng Xá 2 tại Gia Lâm, Hà Nội với giá bán chỉ 9 triệu đồng/m2 tính ra tổng giá trị căn hộ chỉ từ 310 triệu đồng…
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, theo kết quả khảo sát của BizLIVE từ các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các dự án vẫn còn trong tình trạng “trên giấy”, mới được chào bán dưới dạng tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, hoặc chăng có tin vui hơn một chút là đã bắt đầu khởi công xây dựng.
Hàng loạt con số dự kiến được đưa ra đã góp phần làm đẹp cho biết bao báo cáo tổng kết của các đơn vị khi dự đoán sẽ có nhiều ngàn căn hộ sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Lướt qua các dự án, thời gian để người mua có thể sở hữu căn hộ của mình ngắn nhất cũng hết năm 2014, đầu năm 2015 hoặc lâu hơn nữa (đây cũng chỉ là dự kiến chứ chưa phải con số chắc chắn).
Một số dự án nhà ở xã hội đã tương đối hoàn thiện, có thể ở được ngay và có vị trí phù hợp trên địa bàn Hà Nội lại vô cùng ít ỏi.
Đơn cử như một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đã hoàn thiện đáng chú ý như: khu Đặng Xá tại Gia Lâm, khu Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm ở Hà Đông, Việt Hưng ở Long Biên... Những dự án này mặc dù chưa phải loại nhà ở xã hội hạng tốt nhất nhưng có chỗ cũng đã kín người mua, chỗ thì cũng đã đăng ký hết.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập thấp ngày một gia tăng cao gây bức xúc dư luận và làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo số liệu thống kê mới được Bộ Xây dựng tổng hợp từ nguồn của các địa phương trên cả nước, tính đến năm 2015 ít nhất hơn 2 triệu người vẫn cần nhà ở. Nếu tính cả số lượng công nhân đang làm việc trong các dự án khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế thì số lượng người cần nhà ở tiệm cận con số 4 triệu người.
Do đó, hầu hết những người có thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội chỉ còn cách chen nhau mua tại những dự án mới được chào bán hoặc mới thi công trong khi đa số người thu nhập thấp đều cần thiết có nhà ở ngay để ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, một điểm mà không ít người tỏ ra lo ngại chính là trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó, việc chậm tiến độ cũng sẽ không chỉ ở các dự án thương mại mà còn xuất hiện ở ngay cả những dự án nhà ở xã hội.
Mặt khác, vị trí cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của nhà ở xã hội bởi đối với người thu nhập thấp, việc sở hữu được một căn hộ đã phải cố gắng hết khả năng có thể về tài chính.
Nếu nhà ở quá xa so với khu trung tâm, nhiều loại chi phí sẽ bị đẩy lên cao khiến những người có nhu cầu về nhà ở sẽ không khỏi ngần ngại trong việc quyết định xuống tiền để mua nhà.
Điểm lại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội sẽ thấy rõ, những dự án đã hoàn thiện kể trên chủ yếu tập trung ở huyện Gia Lâm, Từ Liêm và quận Hà Đông, còn các quận huyện khác hầu như không có.
Khoảng cách trung bình từ các dự án tới trung tâm thành phố cũng vào khoảng từ 15 - 20km, vị trí khá xa khu trung tâm. Do đó, các tiện ích xã hội đi kèm như: Công viên, bến xe, bệnh viện, siêu thị, trường học, khu vui chơi…hầu như không có hoặc ở trong tình trạng thiếu thốn tạm bợ. Hơn nữa, tỷ lệ phân bổ cũng không đều, số lượng dự án lại ít.
Trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu cải thiện cộng thêm việc nhiều chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước nhằm giải cứu thị trường bất động sản, nhà ở xã hội sẽ vẫn mở ra hy vọng về nhà ở cho người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, để nhà ở xã hội thực sự có cơ hội bứt phá trên thị trường bất động sản hiện nay, cần thiết phải có những giải pháp thiết thực hơn từ các bên tham gia, trong đó tiến độ thi công đảm bảo và nếu các chủ đầu tư cố gắng rút ngắn hơn tiến độ thi công sẽ được coi là chìa khóa quan trọng cho sự thành công của nhà ở xã hội trong tương lai.