Một số ngân hàng đã tạm dừng nhận thế chấp đối với một số tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai.

Liên quan đến việc một số ngân hàng (NH) tạm dừng cho vay mua nhà thế chấp bằng quyền tài sản hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM cho biết, cơ quan này vừa gửi văn bản cho NHNN nói về những vướng mắ xung quanh vấn đề này.

Quy định là vậy, nhưng...

Trước đó, NH Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã tạm dừng nhận thế chấp đối với một số tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai. Nguyên nhân xuất phát từ việc Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 10/12/2014 chưa rõ ràng và thống nhất.

Theo đó, trước đây đối với việc thế chấp để vay vốn, các văn bản pháp lý được phép dùng “quyền tài sản” hình thành trong tương lai, nhưng nay theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99, việc thế chấp cho vay phải là “tài sản” hình thành trong tương lai.

Cũng vì lý do này, phần lớn các văn phòng đăng ký đất đai địa phương từ chối xác nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đối với việc nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai.

Nếu ngân hàng dừng cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai, thị trường bất động sản sẽ đóng băng, người có nhu cầu nhà ở sẽ chấm dứt giấc mơ mua được nhà

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo Phụ Nữ, nhiều NH vẫn cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án BĐS có liên kết với NH. Tại NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), ông Huỳnh Trung Minh, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân cho biết, HDBank vẫn cho khách hàng vay mua nhà hình thành trong tương lai đến 70% giá trị nhà ở, thế chấp bằng chính căn nhà đó với những dự án nhà ở liên kết với HDBank. Đối với những dự án nhà ở không liên kết với HDBank thì phải hoàn thành phần móng, khi đó HDBank sẽ quyết định cho khách hàng vay mua nhà tùy tình hình tài chính của chủ đầu tư.

Tại NH Á Châu (ACB), ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc cho biết, từ trước đến nay ACB ít cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai, nếu có thì dự án đó phải có liên kết với ACB: “Thường thì ACB chỉ cho vay mua nhà và thế chấp bằng tài sản khác hoặc cho vay đối với người mua nhà để ở”.

Theo đại diện của NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), VPBank vẫn cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai như thường lệ.

Ngồi trên đống lửa

Trong khi các NH đang “kêu cứu” các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Tư pháp, cơ quan công chứng, đề nghị hướng dẫn rõ ràng, thì các doanh nghiệp BĐS cũng đang ngồi trên “đống lửa” vì nếu không sớm điều chỉnh, họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, hầu hết các dự án BĐS đều triển khai dựa trên nguồn vốn của NH và của người mua nhà.

Vốn của người mua nhà phần lớn lại cũng phải vay của NH. Do đó, nếu vấn đề không được khai thông, nhiều dự án sẽ bị đình trệ vì không bán được nhà. “Việc này không chỉ ảnh hưởng đến một hai doanh nghiệp mà có thể khiến toàn thị trường BĐS bị ngưng trệ, hệ lụy là vô cùng lớn vì sẽ kéo theo hàng loạt thị trường khác như vật liệu xây dựng đóng băng theo và nhu cầu mua nhà chính đáng của người dân cũng bị chặn đứng”, ông Thanh nói.

Anh Nguyễn Văn Tường, quê Quảng Ngãi, cho biết, vợ chồng anh đang định ra tết sẽ vay NH để mua một căn hộ ở Q.9 (TP.HCM) nhưng trước thông tin này, không biết “ước mơ an cư” của anh có thực hiện được không. “Nếu NH bắt phải thế chấp bằng một tài sản khác thì không biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới có thể mua được nhà. Nếu có tài sản khác để thế chấp thì tôi đâu cần vay NH làm gì”, anh Tường nói.

Anh Tường cho rằng, NH không cho thế chấp bằng chính ngôi nhà anh mua là không hợp lý, bởi anh cũng có một phần vốn không nhỏ trong đó. Khi ký hợp đồng mua bán, ngôi nhà đó đương nhiên đã thuộc quyền sở hữu của anh. “Còn việc ngôi nhà đó hình thành khi nào, có hoàn thành hay không là nghĩa vụ quản lý của cơ quan chức năng, trong đó có sự thẩm định năng lực của chủ đầu tư từ phía NH. Luật cũng đã bắt buộc dự án trước khi bán ra phải có bảo lãnh của NH. Vậy thì không có lý gì NH lại từ chối cho vay một cách phũ phàng như vậy”, anh Tường lập luận.

Ca Hảo (Phụ nữ TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.