22/05/2022 11:17 AM
Hàng loạt tài sản đảm bảo là bất động sản từ nhà ở, khách sạn, nhà máy, nhà xưởng... có giá trị từ vài trăm cho tới cả ngàn tỷ đồng liên tục được các ngân hàng rao bán trong thời gian gần đây. Nhiều tài sản được thanh lý đến chục lần, giảm giá sâu tới 70% nhưng vẫn chưa có người mua.

Hoạt động đấu giá tài sản để thanh lý nợ vẫn chưa hạ nhiệt trong bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng ở mức cao. Trong thời gian qua, 4 ngân hàng “ông lớn” ngân hàng bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã liên lúc rao bán các tài sản đảm bảo, phát mại đất và tài sản gắn liền có trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhằm mục đích thu hồi nợ.

Trong thời gian qua, 4 ngân hàng “ông lớn” ngân hàng bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã liên lúc rao bán các tài sản đảm bảo, phát mại đất và tài sản gắn liền có trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhằm mục đích thu hồi nợ.

Bán tài sản nghìn tỷ, hạ giá nhiều lần nhưng vẫn ế

Cụ thể, hồi tháng 2/2022, Ngân hàng Vietcombank cho biết đang tiến hành phát mại đất và tài sản gắn liền trị giá lên tới gần 1.100 tỷ đồng.

Khối tài sản trên thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Cụ thể, Vietcombank đấu giá quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II.

Khối tài sản trên còn có quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA.

Vietcombank chi nhánh TP HCM cũng thông báo phát mãi quyền tài sản phát sinh tương ứng với 20% vốn góp của Tổng Công ty Tư Vấn Thiết Kế Dầu Khí – Công ty Cổ phần (PVE) trong dự án hợp tác đầu tư xây dựng Cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đã đổi tên thành PV GAS Tower) được ký giữa PVGAS, Tổng Công ty PVC, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long và PVE. Số tài sản này được Vietcombank rao bán với giá khởi điểm gần 343 tỷ đồng. Sau nhiều lần phát mãi không thành công, đến tháng 5/2022, Vietcombank thông báo hạ mức giá khởi điểm xuống còn 270,6 tỷ đồng (giảm giá tới 26,7%) để thu hồi nợ vay nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

Vietcombank đẩy mạnh hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo trong bối cảnh nợ xấu của nhà băng này có xu hướng tăng trong năm 2021. Tính đến 31/12/2021, tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank là gần 6.121 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 4.411 tỷ đồng.Tuy nhiên, với khối trích lập dự phòng lên tới gần 26.000 tỷ, Vietcombank đang sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng ở mức 424%.

Trong khi đó, rao bán 9 lần không ai mua, Ngân hàng BIDV đã đại hạ giá loạt bất động sản của Công ty TNHH Thép Việt Nga trong lần rao bán thứ 10 vào tháng 3/2022.

Khoản vay được Thép Việt Nga bảo đảm bằng một loạt quyền sử dụng đất và nhà xưởng ký kết với Ngân hàng từ năm 2014, 2015. Trong đó, đáng kể nhất là quyền sử dụng 4.466 m2 đất (đất cơ sở sản xuất kinh doanh), quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng 3.175 m2) và tài sản khác gắn liền với đất tại C12/20A, Ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM; nhà xưởng với diện tích xây dựng 3.744,7 m2 tại C12/15E, Ấp 3, Quốc lộ 1A, xã Tân Kiên trên diện tích 4.933,9 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh.

Giá khởi điểm cho lần rao bán thứ 10 của khoản nợ này là gần 269 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ (tương đương giảm khoảng 74%) so với mức chào bán lần đầu và chỉ cao hơn khoảng 2 tỷ đồng so với dư nợ gốc.

Trong tháng 5/2022, BIDV cũng rao bán lần thứ 8 khoản nợ của một doanh nghiệp xây dựng để thu hồi nợ. Theo đó, BIDV đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên với giá khởi điểm gần 253 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên bao gồm toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đầu tư trên đất bao gồm toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất: cả giá trị đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng và các chi phí đầu tư khác tại Khu đất I, II, III và IV thuộc về Công ty Bách Giang thuộc Dự án KDC.

Sau 9 lần rao bán bất thành, hồi tháng 2/2022, BIDV cũng thông báo bán đấu giá lần thứ 10 đối với tài sản là khoản nợ của Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng Archplus. Giá khởi điểm lần này là 257 tỷ đồng. Khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3 m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/5/2005.

Năm 2021, Ngân hàng BIDV là một trong 3 ngân hàng gánh khoản nợ xấu lớn nhất (sau VPBank và Vietinbank) sau khi dẫn đầu ở năm trước đó. Cụ thể, năm 2021, khoản nợ xấu của nhà băng này đã giảm gần 38% xuống còn hơn 13.200 tỷ đồng. Trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 58%, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm xuống.

Tương tự, Vietinbank cũng lần mang nhiều khoản nợ từng được rao bán bất thành ra thanh lý với giá giảm hàng chục tỷ đồng. Trong đó có khoản nợ 161,5 tỷ của Công ty Cổ phần Phúc Đạt tại Chi nhánh Hải Dương, giá bán khởi điểm là 105,6 tỷ đồng, bằng với dư nợ gốc ngân hàng cho vay. Điều này đồng nghĩa với việc VietinBank chấp nhận bỏ gần 55,6 tỷ đồng nợ lãi trong khoản vay này để thu hồi.

Tương tự, với khoản nợ 66 tỷ đồng tại Công ty TNHH Lợi Nguyên, được đảm bảo bằng hàng chục nghìn m2 đất trồng cây và dây chuyền máy nghiền đá, quyền khai thác mỏ đá Lợi Nguyên, VietinBank chỉ rao bán với giá khởi điểm 59,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau hơn 3 năm rao bán, nhiều lần hạ giá, Agribank vẫn chưa xử lý được khoản nợ hơn 708 tỷ đồng thế chấp bằng gần 7.000m2 đất tại TP HCM của Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng .

Agribank cũng đã lần đầu tổ chức bán đấu giá khoản nợ nói trên với giá khởi điểm là 405 tỷ đồng vào tháng 11/2018. Liên tục từ đó đến nay, Agribank đã tổ chức nhiều lần đấu giá bán khoản nợ này nhưng đều không thành công. Đến tháng 3/2022, Agribank hạ giá đấu giá khởi điểm xuống còn 352,5 tỷ đồng, giảm hơn 52 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần rao bán đầu tiên.

Gặp khó khi thu hồi nợ?

Qua hàng loạt thông báo rao bán, hạ giá cho thấy, dù là bên nắm đằng chuôi khi nhận tài sản thế chấp là bất động sản có giá trị, các ngân hàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu này.

Các chuyên gia cho rằng, để thu hồi nợ nhanh, các ngân hàng cần hạ giá tài sản bất động sản so với giá thị trường, để các nhà đầu tư, người mua nhà để ở có thể mua tài sản với giá thấp. Tuy nhiên, quy định hiện nay không cho phép bên bán giảm giá quá sâu trong mỗi lần đấu giá là một rào cản. Điều này cũng lý giải vì sao các nhà băng phải tổ chức bán đấu giá nhiều lần để thu hồi các khoản nợ xấu.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.