Các dự án tại khu công nghiệp Đại Kim (xã Sơn Kim 1) gần như bị bỏ hoang Ảnh: H.N
Những dự án tiền tỷ “đắp chiếu”
Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo có tổ hợp hành chính tại 4 xã, gồm: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Nó từng được xem là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế giao thương giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan. Khác với khung cảnh khoảng 10 năm về trước, nơi đây lâm cảnh đìu hiu, những chuyến hàng ngược xuôi giảm hẳn, không còn bóng dáng hoạt động rầm rộ của siêu thị, hay khu công nghiệp được quy hoạch vạch ra trên giấy. Khu công nghiệp là bãi đất trống mênh mông, cỏ mọc um tùm với những cột bê tông xây dở dang giữa trời.
Tiêu điều nhất là các dự án tại khu công nghiệp Đại Kim (xã Sơn Kim 1) được đầu tư trên khuôn viên rộng trên hàng chục ha nhưng đều trong tình trạng dở dang, có những dự án đang nằm trên giấy, tuy nhiên tất cả đều bỏ hoang, “chết yểu”. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và các sản phẩm công nghiệp SOKI - CT do Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt - Lào làm chủ đầu tư với số vốn 371 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2008, nhưng đến nay đang lâm vào tình trạng thiếu vốn, khó khăn về tài chính.
Cạnh khu vực này là dự án Nhà máy may Five Star Hà Tĩnh, với số vốn 150 tỷ đồng, đi vào thực hiện từ tháng 1/2016 trên diện tích 6,5ha nhưng đến nay cũng đang trở thành nơi chăn thả trâu bò.Cách đó không xa là dự án khu trung tâm thương mại cửa khẩu được Công ty Cổ phần Đầu tư CK Việt Nam xây dựng tại Khu vực Trạm kiểm soát Nội địa KKT Cửa khẩu Cầu Treo (ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) với số vốn 112 tỷ nhưng khi hoàn thành thì bỏ hoang cho đến nay.
Ngoài ra, các dự án lớn như khu nghỉ dưỡng Ngàn Phố (vốn đăng ký 131,9 tỷ đồng) hiện chỉ là một vùng cỏ dại; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung nam sông Ngàn Phố vốn đăng ký 248,6 tỷ đồng, bỏ dở từ nhiều năm nay.
Theo thống kê, tại Khu Kinh tế có tổng 30 dự án đăng ký đầu tư, nhưng hiện chỉ có 15 dự án xây dựng cơ bản các hạng mục công trình chính, tuy nhiên đa phần đều hoạt động không mang lại hiệu quả, trong số đó có dự án đã tạm dừng và chưa có hướng triển khai.
Tuyến đường huyết mạch QL8A đi qua cửa khẩu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng Ảnh: H.N
Giao thông cản trở
Để triển khai các dự án này, chính quyền địa phương thời điểm đó phải thu hồi đất canh tác của người dân để “nhường” cho các dự án với mục tiêu đặt ra: tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, phát triển kinh tế vững mạnh. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đang dần vụt tắt. Chỉ về phía Nhà máy may Five Star Hà Tĩnh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại xã Sơn Kim 1 lắc đầu.
‘‘Trước đây khu vực này là ruộng và đất của dân. Khi có dự án về ai cũng mừng vì nghĩ tạo công ăn việc làm cho người địa phương. Nhiều con em còn đi học nghề với mong muốn vào khu công nghiệp này làm việc. Nhưng nay mọi thứ dở dang, đất mất, công ăn việc làm thì không có, nhìn mảnh đất vàng bỏ hoang mà xót. Ở đây chủ yếu là rừng, được ít đất nông nghiệp thì đa phần bị thu hồi hết rồi”, ông Hùng nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Thăng Long, Phó trưởng Ban khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo cho biết, có nhiều lý do khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng trên. Trong đó liên quan đến cơ chế chính sách, Lào cấm xuất khẩu gỗ tròn về Việt Nam, chỉ khi chế biến thành phẩm mới cho xuất khẩu. Hơn nữa từ khi Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực vào năm 2016, không còn chính sách miễn giảm thuế quan nên doanh nghiệp, các nhà đầu tư không còn mặn mà, thậm chí quay lưng với khu kinh tế.
“Trước đây, có chính sách miễn giảm thuế các loại như hàng hóa điện tử, nước giải khát nên việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tăng mạnh. Có thời điểm một năm nguồn thu lên 500 tỷ đồng, nhưng mấy năm nay thì giảm mạnh”, ông Long cho hay. Quốc lộ 8A chạy qua khu vực này hiện xuống cấp nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Khu kinh tế đìu hiu, giao thương giảm hẳn.
“Năm nay lượng xe qua lại ít dần. Nguyên nhân chính vẫn do giao thông trên tuyến này. Đường nhỏ, khó đi và rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa khiến sạt lở gây ùn tắc nên họ chuyển sang cửa khẩu có đường thuận lợi hơn để đi”, ông Long nói. BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo đã nhiều lần gửi đề xuất nâng cấp, sửa chữa lại QL 8A nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giao thương qua cửa khẩu cũng như thu hút đầu tư vào KKT nhưng chưa có kết quả.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 21%. Phó Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo Lê Văn Hạnh cho hay, trước đây có gần 400 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu, nay giảm xuống còn 267 doanh nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 30%, thuế 6 tháng đầu năm thu 27 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2018. |
-
Hà Tĩnh tìm nhà đầu tư cho dự án Tổ hợp Giáo dục hơn 300 tỷ đồng
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 2879/QĐ-UBND về việc phê duyệt Hồ sơ mời quan tâm dự án Tổ hợp giáo dục tại thành phố Hà Tĩnh.
-
Ế ẩm, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tiếp tục tìm chủ cho Cụm công nghiệp 75ha
UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cổng Khánh 3 tại phường Đậu Liêu.
-
Hà Tĩnh giao nhiệm vụ tham mưu việc thành lập thành phố Kỳ Anh
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký Công văn số 7518/UBND-NC2 về việc tham mưu việc thành lập thành phố Kỳ Anh.