Người mừng kẻ lo
Trong cuộc họp, rất nhiều thành viên của FOMC đã đồng tình rằng thực hiện thêm các điều chỉnh về chính sách tiền tệ là điều cần thiết. Lần này FED đang chủ động xem xét một chương trình mua trái phiếu “linh hoạt”, không giống như hai lần trước, rất có thể FED sẽ không thông báo trước về lượng trái phiếu sẽ mua vào.
Theo chuyên gia Michael Gapen chi nhánh New York của ngân hàng Barclays, việc không thông báo cụ thể lượng trái phiếu mua vào có thể là một bước tiến lớn trong quá trình triển khai chính sách của FED. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng cho rằng FED vẫn đang hành động cho đến khi các dữ liệu cho thấy FED có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Một số quan chức lại kiến nghị giảm lãi suất mà FED trả cho các ngân hàng thương mại đối với số tiền dự trữ dôi ra (0,25%). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các quỹ thị trường tiền tệ có thể gặp rắc rối vì như vậy lợi nhuận của họ tiếp tục bị giảm xuống. FOMC cũng lưu ý đến động thái cắt giảm lãi suất cho vay xuống 0% của ECB. Đây là cơ hội để Fed quan sát những hiệu ứng có thể xảy ra đối với EU.
Sau thông tin về hội nghị của FOMC, giá trái phiếu kho bạc tiếp tục tăng trong khi đồng USD giảm giá với chỉ số Dollar Index giảm 0,4%, xuống còn 81,6 điểm. Đồng euro tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần so với đồng USD do thông tin Fed sẽ thực hiện thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Tại phố Wall số điểm đã mất đã được phục hồi. Đóng cửa phiên ngày 22/8, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ, xuống còn 13.172,76 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số S&P 500 tăng nhẹ lên mức 1,413,49 điểm.
Chuyên gia kinh tế David Sloan có nhận xét: biên bản cuộc họp của FOMC đã làm sống lại hy vọng Fed sẽ thực hiện thêm các chính sách nới lỏng tiện tệ. Mặc dù những báo cáo kinh tế gần đây đã cho thấy nền kinh tế có dấy hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ.
Còn Trung Quốc thì lo ngại FED bơm tiền vào nền kinh tế có thể khiến giá cả hàng hóa thế giới tăng cao. Giá dầu thô đã tăng sau tuyên bố của Chủ tịch FED Ben Bernanke. Giá cả gia tăng có thể buộc các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ… phải chi thêm tiền để nhập khẩu hàng hóa và điều này tiếp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề lạm phát của nước họ.
Ông Cao Fengqi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính và Chứng khoán tại Đại học Peking cho rằng, QE3 sẽ khiến Trung Quốc phải nhanh chóng nâng giá đồng NDT so với USD. Ông nói: “nếu gói nới lỏng mới của Mỹ được tung ra, hậu quả là đồng USD sẽ mất giá nhanh chóng và điều này sẽ đe dọa tới sự an toàn của kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, bởi nó sẽ làm giảm giá trị thực sự của khoản dự trữ bằng đồng USD.
Lợi bất cập hại
Rất nhiều người kỳ vọng FED sẽ đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ, mở rộng cán cân thanh toán cũng như nâng cao cơ sở tiền tệ trong nước. Thông tin này đã kéo giá vàng và bạc tăng mạnh. Mở rộng hơn nữa, điều này cũng có nghĩa là nếu cơ sở tiền tệ của FED tiếp tục mở rộng, giá vàng SPDR Gold Shares và iShares Silver Trust cũng sẽ được giao dịch ở mức cao hơn. Bất chấp những thay đổi do tâm lý thị trường.
Có một mối quan hệ tích cực và mạnh mẽ giữa giá vàng và cơ sở tiền tệ của Mỹ: khi lượng tiền tệ tăng, giá vàng có xu hướng đi lên. Và lượng tiền được in ra đã tăng trong các tháng (0,5% vào tháng 8 và số này sẽ lớn hơn trong tháng 9). Tính từ tháng 1-2009 tới tháng 8-2012, chỉ số đo lường mối quan hệ này là 0,34. Mối tương quan này cho thấy nếu lượng tiền của Mỹ tiếp tục được mở rộng, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, lợi bất cập hại cần phải xét trên hai phương diện: Một là, khối lượng tiền được in trong gói QE3 có thể bằng với hai gói kích thích trước đó, nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế sẽ không tương ứng với hai gói QE1 và QE2. Hai là, nếu QE3 có thể hâm nóng thị trường vàng và bạc giống những gì mà QE1 và QE2 làm được thì bằng cách nâng cao tỷ lệ ký quỹ đối với hợp đồng vàng và bạc khiến đà đi lên của nền kinh tế lại bị hạn chế.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney vừa đưa ra nhận định, một gói kích thích tiền tệ tiếp theo từ Fed cũng sẽ không giúp ích gì được cho nền kinh tế mỏng manh của nước Mỹ. Ông nói: “Chắc chắn FED đang quan sát mọi thứ và sẽ cố gắng kích thích nền kinh tế. Dẫu vậy, tôi không nghĩ gói QE3 sẽ giúp ích cho nền kinh tế”.
Luôn nhấn mạnh lợi thế đã từng là 1 doanh nhân và có những năm tháng lãnh đạo tiểu bang Massachusetts, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Mitt Romney hứa hẹn nếu trúng cử sẽ triển khai các biện pháp hàn gắn nền kinh tế đang ngày càng rạn nứt và sẽ tạo ra 12 triệu việc làm trong thời gian đương nhiệm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện đã tăng lên mức 8,3% trong tháng 7 và là cơ hội để ông Romney phê phán cách điều hành nền kinh tế của Tổng thống Barack Obama.
Rất nhiều thành viên của đảng Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ các chính sách được Fed thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2009, cho rằng đây là các chính sách sai lầm và gói kích thích tiền tệ mới sẽ khiến lạm phát tăng cao. Hai gói kích thích trước đây (QE1 và QE2) cũng đã bị một số nước khác chỉ trích rằng chúng đã làm suy yếu đồng USD và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước họ.
FED không thể vội vàng
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù FED có thông qua gói hỗ trợ QE3 thì kết quả mang lại cũng sẽ chẳng thể khá hơn so với hai gói cứu trợ trước đây. Ông Steven Ricchiuto, kinh tế trưởng công ty chứng khoán Mizuho nhận định: “Có thể FED e ngại tính hiệu quả của gói bơm tiền lần này. Vì toàn bộ số tiền bơm ra trước hết sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng, chỉ một phần nhỏ trong đó đi vào các bộ phận khác của nền kinh tế, vì trong bối cảnh hiện nay ngân hàng cũng rất dè dặt khi cung ứng tín dụng. Do đó, sẽ không tác động nhiều lên nền kinh tế vĩ mô”.
Ông Sam Coffin, kinh tế gia của ngân hàng UBS lại đánh giá: “Nhiều người cho rằng nền kinh tế ngày càng xấu đi, nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Thị trường đang xuất hiện những dấu hiệu phục hồi tích cực, giá nhà đang tăng, thị trường nhà đất cũng bắt đầu chuyển động, giá ô tô cũng tăng. Nhiều khả năng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý II, và sẽ bứt phá vào cuối năm nay”.
Mặt khác, Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke còn đang cân nhắc: “Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới việc sử dụng chính sách tài khóa để tạo ra những tác động trong dài hạn thay vì chỉ nguyên áp dụng công cụ chính sách tiền tệ. Tôi có thể lấy đơn cử các biện pháp tài khóa như giảm thâm hụt ngân sách, điều chỉnh thuế. Nếu kết hợp cả những biện pháp kích thích trong ngắn hạn thì hiệu quả sẽ rất tốt”. Tuy nhiên, tâm lý chờ đợi của thị trương vẫn tồn tại, người ta vẫn mong đợi quyết định cuối cùng của Fedd, vì dù sao Mỹ vẫn là nền kinh tế có vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Và vì thế, câu trả lời vì sao FED vẫn chưa đưa ra QE3 ? vẫn còn đang ở phía trước.