01/05/2021 11:15 AM
Lưu lượng phương tiện tăng gấp 3 lần trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 30/4, song chủ một số trạm BOT vẫn thu phí vì cho rằng "không ùn ứ nghiêm trọng".

Ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ lễ, người dân từ Hà Nội về quê, đi chơi đổ về các tỉnh từ sáng sớm khiến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình ùn tắc kéo dài.

Chị Minh Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay ngồi xe nhà về quê ở Hà Trung (Thanh Hóa) từ 8h sáng, mất hơn 7 giờ cho quãng đường 130 km. "Đường tắc suốt từ cao tốc Pháp Vân đến quốc lộ 1, cả gia đình tôi đều mệt mỏi và đói. Ai cũng nghĩ đi cao tốc sẽ nhanh hóa ra lại chậm", chị Thùy phàn nàn.

Mặc dù tuyến đường bị ùn tắc song theo phản ánh của nhiều chủ xe, các trạm thu phí trên tuyến này không xả trạm, khiến dòng xe phải ì ạch nối đuôi nhau. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, phương tiện ùn tắc trước trạm thu phí 700 m là các trạm phải xả.

Ùn tắc tại đầu ra trạm thu phí Cao Bồ (Ninh Bình) trên đường nối với quốc lộ 1. Ảnh: Anh Duy.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, giải thích lưu lượng xe tăng cao khiến vành đai 3 Hà Nội bị ùn tắc. Khi vào tuyến cao tốc, đến gần trạm thu phí Pháp Vân thì các xe lưu thông bình thường vì đoạn này có 6 làn xe và thu phí mỗi chiều, các xe chỉ dừng lại lấy thẻ nên không xảy ra ùn tắc trước trạm. Sau đó, xe đi vào cao tốc với 3 làn mỗi chiều thì lại xảy ra ùn ứ vì số phương tiện cao.

"Cần phải xả tại trạm đầu ra cao tốc như Cao Bồ, Vực Vòng, Liêm Tuyền để lưu lượng xe thoát nhanh ra khỏi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ", ông Oánh nói.

Kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư. Theo đại diện VEC, đoạn cuối tuyến là trạm thu phí Cao Bồ đến Ninh Bình "có lưu lượng xe bình thường, không bị ùn ứ nghiêm trọng nên các đơn vị chức năng quyết định không xả trạm trong ngày 30/4".

Còn với trạm Liêm Tuyền, lúc 11h55 ngày 30/4, nhận thấy dòng xe bị tắc cứng trong cao tốc vì nhiều lý do khác nhau, VEC đã "xả trạm này để phương tiện thoát ra khỏi cao tốc trong khoảng 10 phút".

Đại diện VEC cho hay, lưu lượng phương tiện đi lại trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 30/4 khoảng 100.000 lượt, tăng 3 lần so với ngày thường, "dẫn đến ùn tắc chứ không phải do điều hành tại các trạm thu phí kém".

"Tại trạm thu phí đều có giám sát của Tổng cục đường bộ, cảnh sát giao thông, các bên liên quan quyết định xả trạm thu phí hay không", đại diện VEC nói thêm.

Ngoài ra, đại diện VEC cho rằng, các lực lượng chức năng tại địa phương dọc tuyến cao tốc chưa có sự phối hợp tốt phân luồng giao thông, không có hướng dẫn cho phương tiện đi trên các tuyến đường khác, khiến lái xe đổ dồn vào cao tốc, càng gây ùn tắc. Cùng với đó, các tuyến đường nối cao tốc và quốc lộ 1 cũng bị tắc khiến xe ùn trên cao tốc.

"Chúng tôi hy vọng người dân trở về thành phố Hà Nội rải rác từ ngày 1 đến 3/5, thay vì dồn vào ngày cuối thì tình trạng ùn tắc trên cao tốc không tránh khỏi", đại diện VEC nói.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường Việt Nam, cho hay ngày 29 và 30/4 chỉ xảy ra ùn ứ kéo dài tại các trạm thu phí. Theo ông Huyện, việc ùn ứ do lưu lượng phương tiện năm nay vượt so với năm ngoái khoảng 15%. Đơn cử, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ vượt 2.000 xe mỗi ngày đêm trên mặt cắt lưu lượng so với năm ngoái.

"Nếu chỉ là ùn ứ phương tiện vẫn di chuyển thì không phải xả trạm. Chỉ khi nào tắc không lưu thông được mới phải xả trạm. Trong các ngày người dân trở lại thành phố tới đây, nếu xảy ra ùn tắc kéo dài quá quy định, Tổng cục sẽ chỉ đạo nhà đầu tư phải xả trạm", ông Huyện nói.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình gồm 6 làn xe, là tuyến huyết mạch phía nam thủ đô Hà Nội, lưu lượng ôtô trung bình 30.000 -40.000 xe mỗi ngày đêm.

  • PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: 'Ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, không thể đổ lỗi cho hạ tầng'

    PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: 'Ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, không thể đổ lỗi cho hạ tầng'

    "Việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải tại khu vực cửa soi chiếu hành lý là do quản lý kém. Đừng đổ thừa cho năng lực cơ sở vật chất thấp hơn nhu cầu, mà nguyên nhân ở đây là chất lượng dịch vụ, năng lực điều phối - cung cấp dịch vụ quá yếu", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM nhận định.

Đoàn Loan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.