17/12/2019 4:28 PM
Bây giờ lại có thêm “lệ phường”. Thứ “lệ” bất thành văn này đang biến các chủ trương, chính sách, quy định, giấy phép,… của cấp trên thành mớ giấy lộn trong tay những kẻ có chức quyền ở cơ sở.

Công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chỉ là một trong muôn vàn công trình vi phạm trật tự xây dựng đang rất phổ biến khắp cả nước hiện nay.

Với công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều, sai phạm nghiêm trọng ở đây là xây dựng vượt ngưỡng chiều cao cho phép.

Công trình nhà ở này được phép xây dựng 1 hầm và 4 tầng lầu với mật độ xây dựng 63%, theo Giấy phép xây dựng số 198 ngày 21/9/2018 do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Tuy nhiên trong thực tế, công trình đã được thi công đến tầng thứ 6, vượt ngưỡng cho phép 2 tầng.

Trước những sai phạm nêu trên, ngày 16/9/2019 UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 2240/QĐ-KPHQ về việc "Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả" đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều, yêu cầu tháo dỡ phần diện tích (tầng 5, 6) vượt quá quy định cho phép.

Thế nhưng, bất chấp lệnh đình chỉ của chính quyền quận, chủ công trình 9A Nguyễn Gia Thiều vẫn tiếp tục thi công. Mãi đến đầu tháng 10/2019, chủ công trình mới cho công nhân thực hiện việc tháo dỡ phần mái tum tại tầng 6 phía trong.

Công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vi phạm trật tự xây dựng.

Không riêng gì công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều, tại quận Hoàn Kiếm còn có một loạt các công trình khác như 4-6 ngõ Phan Huy Chú, (phường Phan Chu Trinh ), 9A Hàng Muối (phường Lý Thái Tổ), 26-28-30 Nhà Chung (phường Hàng Trống), 927 Hồng Hà, 11 phố Liên Trì (phường Trần Hưng Đạo),… vi phạm TTXD đã rõ ràng, nhưng vẫn không hề bị xử lý theo quy định.

Thực tế nêu trên khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang khá phổ biến ở Hà Nội, ngay cả địa bàn quận trung tâm như Hoàn Kiếm.

Vì sao lại có chuyện nghịch lý giấy phép cấp một đàng, chủ đầu tư xây công trình một nẻo?

Đây là câu trả lời của dân: “Từ nhiều ngày nay chúng tôi đã phải hứng chịu cảnh bụi bặm từ vật liệu và phế thải xây dựng tại công trình này. Nhiều lần góp ý nhưng chủ nhà nhưng công nhân vẫn ngang nhiên đổ vật liệu ra đường, phản ánh với chính quyền thì không thấy có ai đến để xử lý”.

Một người dân khác phản ánh: “Chiều cao và số tầng xây dựng thì đã có quy định rõ ràng, công khai theo quy hoạch khu phố cũ. Các anh quan sát đối chiếu thì biết công trình sai phạm thế nào. Chúng tôi có kiến nghị nhiều lần lên phường nhưng không thấy vị nào đứng ra giải quyết vấn đề vi phạm trật tự xây dựng của công trình này. Trong khi đó, chúng tôi muốn tiến hành xây dựng sửa chữa lại ngôi nhà của chính mình thì cán bộ phường Trần Hưng Đạo và quận Hoàn Kiếm gây khó khăn, nhũng nhiễu từ khâu xin giấy phép”.

Còn đây là trao đổi với phóng viên của một người trong tổ quản lý trật tự đô thị quận Hoàn Kiếm địa bàn phường Trần Hưng Đạo: Hiện tại, Hoàn Kiếm có quy định rõ từ khâu chỉ đạo của lãnh đạo quận nên rất ít để xảy ra những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng như trước đây. Nhưng với công trình này thì chủ đầu tư là chỗ quen biết với lãnh đạo phường nên được lãnh đạo phường tạo điều kiện vượt thêm 2 tầng và chút mật độ.

Chẳng cần quanh co, lươn lẹo, dân ai cũng hiểu, với ai thì cán bộ phường “gây khó khăn, nhũng nhiễu”, với ai thì họ quan tâm “tạo điều kiện”.

Trước tình hình vi phạm trật tự xây dựng ngày càng nghiêm trọng, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu nghi vấn: “Vi phạm trật tự xây dựng ở phường, xã, người dân vẫn nói chỉ cần đổ đống cát ra đã bị người đến hỏi rồi. Vậy tại sao một công trình xây lên mà không ai biết?”.

“Ở đây, lãnh đạo cấp xã phường phải xác định trách nhiệm rất rõ, thanh tra xây dựng đến đâu, công an phường đến đâu, lãnh đạo phường đến đâu”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Cùng chung quan điểm với Bí thư Thành ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn nói lên bức xúc ngay tại diễn đàn Quốc hội: "Người dân xây nhà đổ một hai đống cát ở trước cửa là có lực lượng quản lý đô thị đến ngay. Thế nhưng công trình lớn sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi thẩm quyền có thì trách nhiệm quản lý như thế nào?”

“Phải nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương” - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt vấn đề.

Với người dân, nói cho vuông, nếu không có sự bao che, làm ngơ từ phía chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng liên quan thì vi phạm trật tự xây dựng chẳng thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Người xưa nói, phép vua thua lệ làng, quả không sai. Bây giờ lại có thêm “lệ phường”. Thứ “lệ” bất thành văn này đang biến các chủ trương, chính sách, quy định, giấy phép,… của cấp trên thành mớ giấy lộn trong tay những kẻ có chức quyền ở cơ sở, làm tha hóa cán bộ, cản trở sự phát triển của đất nước.

Nguyễn Duy Xuân (VNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.