Bạn bè bảo: Đang kinh doanh chung cư cho người sống, chẳng hiểu sao tự dưng "cha" Khoa này lại "đốc chứng" đi xây chung cư cho người... chết? Có người còn "đổ" cho tiếng ác là kinh doanh người chết, thế mà Nguyễn Gia Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Kim Quy thì cứ tưng tửng: Đủ tiền, đủ tài, đủ đạo đức thì làm thôi. Cái chính là tôi không phải "lợi dụng" Nhà nước.
Nguyễn Gia Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Kim Quy
Cuống lên vì hiếu nghĩa
- Ông có thấy rằng, rất nhiều người hiện đang "cuống" cả lên vì một số nghĩa trang đã hoặc sắp có sự thay đổi?

Âm linh phải lấy hiếu nghĩa làm gốc, Khổng Tử dạy: "Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn" - hiếu nghĩa với cha mẹ khi còn sống cũng như hiếu nghĩa với cha mẹ khi đã chết. Chính vì thế, mà mọi người mới "cuống" cả lên vì sợ rằng ông bà cha mẹ mình khi về cõi vĩnh hằng không có đất dung thân hoặc phải đem đi chôn chốn quá xa nơi con cháu sinh sống, bất tiện cho việc chăm sóc. Tôi nghĩ đó là việc "cuống" có hiếu nghĩa.

- Vấn đề là giải quyết cái "cuống" đấy thế nào? Chắc là có nhiều người vẫn không thích hỏa táng người thân quá cố?

Địa táng là một hình thức tang chế có lịch sử lâu đời. Truyền thống này của người Việt cổ từ thời văn hóa Đông Sơn. Người Việt Nam, đặc biệt là các cụ già rất thích được chôn gần nhà, ngay trong vườn hoặc khu đất quanh nhà, để được gần gũi con cháu và người thân.

Hiện nay, đất đai ngày càng bị thu hẹp, nên việc chôn cất người chết theo hình thức địa táng gặp nhiều khó khăn. Nhiều người còn nói rằng: Đất cho người sống còn chả có, lấy đâu đất cho người chết? Hơn nữa, khoa học và thực tế đã chứng minh việc chôn "tươi", là rất mất vệ sinh và gây ô nhiễm.

Còn hỏa táng được du nhập vào Việt Nam theo Phật giáo. Đã từ lâu, hỏa táng đã cùng tồn tại với địa táng, cải táng. Đây là một hình thức tang chế văn minh, khoa học.

"Vườn đại hiếu"

- Tôi đã từng nghe được một cuộc tranh cãi giữa hai anh em nhà kia, người anh thì muốn hỏa táng cha mình và gửi tro cốt vào nhà lưu cốt, còn người em thì nằng nặc đòi chôn xuống đất vì gửi tro vào nhà lưu cốt thì chật chội, không thoáng mát như ở nghĩa trang. Và người anh bảo vệ lập luận của mình bằng cách bảo người em là: "Nếu muốn thoáng mát thì đi viếng cha ở nhà lưu cốt rồi về đi công viên mà thoáng mát". Đôi khi lí do chỉ đơn giản là thoáng mát thôi sao?

Ở các đô thị rất chật chội, nghĩa trang lại bị dời ra xa, thì liệu mỗi năm đi thăm mộ một lần với mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày thăm viếng người thân ở nhà lưu cốt một lần, cái nào tình cảm hơn? Còn về việc thoáng mát như bạn nói ở trên, thì đó chính là lí do để dự án Khu du lịch tâm linh Vườn hồng của chúng tôi ra đời.

Đó không chỉ là nơi lưu giữ tro cốt thông thường, mà đó thực sự là một nơi, trước hết là tôn nghiêm, ấm cúng, sau nữa là thoáng mát, tiện nghi. Tro cốt người chết ở đây được bảo quản trong những chiếc quách bằng đá quý chứ không phải bằng sành sứ, được đặt trong bảo tháp nhiều tầng, thân nhân có thể thăm viếng 24/24h không kể ngày đêm, máy lạnh cũng mở 24/24h, người chết "được nghe" đọc kinh. Còn người sống đến thăm người chết sẽ đi qua tầng 1 tầng 2 là những bồng du tiên cảnh, có cả nhà hàng chay và chùa để cầu nguyện.

- À vâng, giống mô hình ở nước ngoài! Người ta hay gọi là công viên nghĩa trang hay công viên vĩnh hằng. Mà cái tên "Vườn hồng" của ông thì lại nghe có vẻ... tình yêu quá?

Là thế này, người ta hay dùng hình ảnh bông hồng để chỉ sự báo hiếu. Một bông hồng cho cha, một bông hồng cho mẹ. Đây là cả vườn hồng thì có phải là đại hiếu không? Tôi cũng đã đi nhiều nước Đông Nam Á để tìm hiểu mô hình, và với khu du lịch tâm linh Vườn hồng sẽ không đưa tro cốt bằng thang máy ra ngoài cho người thân cúng viếng, mà quách nào, ở nguyên vị trí đó, như thế sẽ phù hợp với duy niệm của người Việt hơn. Người Việt sợ nhất động mồ động mả, thế nên mới có câu: Giữ như giữ mả tổ. Vì lẽ đó mà chúng tôi không làm dây chuyền di chuyển cốt tự động như ở Singapore.

Sợi dây tiện nghi, yên tĩnh


- Ông nói một loạt những tiêu chuẩn xa hoa như trên, khiến tôi, mà chắc chắn không chỉ mình tôi đâu, lo ngại rằng giá của khu "vườn đại hiếu" của ông sẽ "cắt cổ" và sẽ chỉ những "linh hồn đại gia" mới được vào đây "hưởng thụ"?


Đó không phải xa hoa. Đó là sự chăm lo đúng mực của người còn sống với ông bà cha mẹ. Và chúng tôi chỉ là người tạo điều kiện cho họ quan tâm chăm sóc người thân thôi. Chúng tôi là sợi dây tiện nghi, yên tĩnh nối sự thương yêu giữa dương gian và âm gian. Còn về giá, nghe qua thì có vẻ "đắt đỏ". Nhưng làm một phép tính nhẩm thì thấy giá này "rẻ" hơn "mua đất" ở chỗ khác rất nhiều.

Này nhé, bây giờ người ta bán một suất đất để chôn "tươi", một chiều 2m, một chiều 2,2m là 60 triệu đồng, tiền làm tang lễ, thuê đào huyệt, hạ huyệt... là 40 triệu đồng nữa. Sau đó, hằng năm, lại mất tiền thuê trông nom, làm vệ sinh mộ phần. Tính ra, còn đắt hơn nhiều ý chứ.

- Thôi được rồi, cứ cho là giá "địa ốc cho người chết" ở chỗ ông rẻ hơn đi, nhưng lấy gì đảm bảo là ông sẽ không "cắt cổ" cả người sống lẫn người chết một lần nữa, khi mỗi năm ông lại tăng giá bảo quản, hương hoa, giá dịch vụ vệ sinh... lên một vài lần?

Ồ không, giá của chúng tôi là vĩnh viễn với đủ các dịch vụ từ A tới Z, bao gồm cả dịch vụ tổ chức tang lễ, quan tài, hương hoa đèn nến, phí hỏa táng, vị trí đặt quách tro cốt... Vĩnh viễn sau này không bao giờ thu thêm bất cứ một khoản gì nữa. Tuy nhiên, mức giá trọn gói đó được áp dụng cho từng thời điểm, từng khoảng thời gian. Giá năm nay không thể giống giá của 10, 15 năm sau, nhưng dù có giá là bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng chỉ thu một lần và không có chuyện thu thêm.

Kinh doanh người chết?


- Tôi hỏi thật nhé, ông có ngại không nếu người ta gọi ông là kẻ kinh doanh người chết?

(Cười lớn) Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi là sợi dây để nối yêu thương giữa cõi sống và cõi chết. Còn đương nhiên, tôi là nhà kinh doanh, tôi phải có hiệu quả kinh doanh chứ. Nhưng không phải kiếm hiệu quả bằng mọi cách và mọi giá.

- Tôi không muốn tranh cãi với ông, nhưng xin cho tôi nói thẳng, thật khó tin là các ông lại không bằng MỌI GIÁ và MỌI CÁCH!

(Cười rất lớn) Tôi biết ngay mà, chắc chắn bạn đang nghĩ đến việc tôi phải đi qua cửa nọ cửa kia, để xin đất làm dự án chứ gì? Tôi xin nói rằng, tôi không làm cách mà các doanh nghiệp khác đang làm, tôi không xin đất, không thuê đất giá rẻ. Mà là đất của tôi, tiền của tôi. Đủ tiền, đủ tài, đủ đạo đức, thì làm thôi. Cái chính là tôi không phải "lợi dụng" Nhà nước.

- Thôi được rồi, vậy thì ông có lo địa ốc cho người chết của ông ế không?

Năm trăm ngàn chỗ ở cho những linh hồn chết ở chỗ chúng tôi là quá ít, như muối bỏ biển. Chả cần quảng cáo gì thì cũng cứ gọi là "đặt gạch xếp hàng". TP.HCM còn cần rất nhiều những mô hình như vậy.

- Xin cảm ơn ông và mong sao, ngày càng có nhiều những "chung cư" tiện nghi, hiện đại cho... những linh hồn chết!

Cafeland.vn - Theo Bee
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland