26/11/2024 3:45 PM
VCCI tiếp tục bảo lưu ý kiến giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%, thay vì có một số loại trừ.

Góp ý đối với Đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là Dự thảo) của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục bảo lưu ý kiến giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%, thay vì có một số loại trừ.

Cho ý kiến trong công văn gửi Bộ Tài chính, VCCI nhận định, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục chính sách giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 là rất cần thiết.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của VCCI, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

Theo VCCI, việc cụ thể hoá các nhóm hàng hoá, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành.

Đơn cử, nhóm hàng hoá viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hoá chất cũng rất chung chung và khó phân loại.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hoá đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.

Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.

Được biết, tại Dự thảo Đề xuất do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, phương án đề xuất là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.

Năm 2023, việc giảm thuế GTGT tăng 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 trong 6 tháng cuối năm 2023 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.

Năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Phương Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.