Cùng với việc các chính sách ưu đãi về nhà ở khó đến tay người nghèo thì còn rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan khác khiến cho việc được sở hữu một căn nhà với người nghèo rất xa vời...
Người nghèo khó với tới chính sách

Ông Đỗ Văn Hoàng (45 tuổi, ngụ phường 9, quận 3, TP.HCM) cho biết: “Vợ chồng tôi là công nhân, đang ở nhờ nhà bố mẹ. Cả hai tăng ca hết mức tổng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, vậy mà phải chi cả trăm khoản, từ học phí của hai đứa con, tiền điện, nước, chợ… đến tiền đổ xăng. Tháng nào “co kéo” giỏi chỉ dư khoảng 1-2 triệu đồng. Khoản tiền này dành để phòng đau ốm, lễ lạt, tang ma… Nhà nước có giải quyết, chúng tôi cũng không có khả năng mua nhà ở xã hội (NOXH)”.

Nhà ở xã hội. 


Đa số người lao động hiện nay có thu nhập rất thấp nên khó thuê, mua NOXH.

Ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM, cho biết: TP.HCM hiện có hơn 20.000 giáo viên có nhu cầu, nhưng với mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng thì rất khó mua được NOXH.

Hà Nội cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Thực tế là ở ngay khu vực Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), nơi đang có dự án chung cư giá rẻ Kim Văn - Kim Lũ được triển khai, khi được hỏi rất nhiều người dân ở đây không hề biết về dự án này, hoặc biết đến nhưng không rõ ràng.

Anh Sơn, người làm nghề xe ôm ở khu vực này, khi được hỏi có biết thông tin về chung cư giá rẻ và gói tín dụng cho vay 30.000 tỷ đồng của Nhà nước để hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà hay không, anh tỏ vẻ hoài nghi: “Nói thế thôi chứ mua được khó lắm, thủ tục trăm thứ bà rằn. Nhiều người muốn mua lắm nhưng không dễ mà mua được…”.

Cách đây chưa lâu khi nói về vấn đề giải quyết nhà ở cho người dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: "Mỗi quốc gia đều có chính sách khác nhau, song họ đều quan tâm đến nhà xã hội. Năm tới, phân khúc nhà xã hội sẽ được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Tôi đã trực tiếp đến nhiều khu nhà ở của người nghèo ở nhiều nơi, cả TP.HCM và Hà Nội. Có thể nói, những người dân nghèo và công nhân khu công nghiệp đang phải ở trong điều kiện hết sức khó khăn”.

Trong chiến lược nhà ở đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã soạn thảo các nghị định, trong đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người thu nhập thấp có nhà và có điều kiện tiếp cận nhà ở. “Những người nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ như không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT hoặc cho vay mua nhà lãi suất thấp, hoặc thuê mua” - Bộ trưởng cho biết.

Thế nhưng, sau thông tin của Bộ trưởng, chưa có thống kê nào cho thấy công nhân, người nghèo tiếp cận được NOXH mà bộ đang triển khai.

Khi nào người nghèo mua được nhà?

Nguyên nhân khiến những người lao động nghèo có nhu cầu vẫn chưa tiếp cận được nguồn ưu đãi này một phần do vấn đề thủ tục để người nghèo được vay gói tín dụng này còn nhiều bất cập.

  • Theo Bộ LĐTBXH, mỗi năm có hàng triệu lao động nông thôn di cư ra các thành phố lớn. Đó là xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, chính sách nhà ở cho đối tượng này, nhất là lao động tự do chưa rõ ràng và lao động khó tiếp cận.

Trong chính sách chỉ rõ cá nhân muốn được thông qua thủ tục vay mua nhà giá rẻ phải có giấy tờ chứng minh nguồn trả nợ bao gồm: Hợp đồng lao động và sao kê 3 tháng lương gần nhất. Tuy nhiên đa số các đối tượng cá nhân mà chính sách này hướng đến đều là lao động tự do, làm theo thời vụ, vì thế việc có hợp đồng lao động cũng như sao kê 3 tháng lương gần nhất là điều thiếu thực tế, không mang lại hiệu quả cho việc chứng minh nguồn trả nợ. Đây có thể coi là biện pháp để tránh nợ xấu, tuy nhiên có hiệu quả đối với ngân hàng cho vay và phù hợp với người có nhu cầu vay hay không thì cần xem xét thêm.

Thêm vào đó việc chi trả 20-30% giá trị hợp đồng mua nhà trước khi nhận gói vay ưu đãi đối với người lao động nghèo là điều khó khăn.Với mức thu nhập thấp và bấp bênh (khoảng từ 50-100 nghìn đồng/ngày), những người lao động tự do khó có thể tích cóp một số tiền lớn như vậy. Nếu như đề xuất cho người mua nhà được phép thế chấp chính ngôi nhà đó được thông qua thì vấn đề này sẽ dễ dàng hơn với những người chưa đủ khả năng chi trả cho số tiền ban đầu.

Một vướng mắc nữa về vấn đề thủ tục là đa số số lao động nghèo chưa có nhà ở hiện nay đều thuộc đối tượng KT3, tức là dân nhập cư. Theo quy định đối với đối tượng này thì thủ tục hồ sơ pháp lý đầy đủ cần có bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên. Điều này thực sự là một khó khăn nữa cho người dân, bởi người dân lao động ở Việt Nam đa số vẫn chưa quen với việc đóng BHXH, đặc biệt là với người có thu nhập thấp.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: Tạo lập cộng đồng mua nhà

Ở một số nước có hoàn cảnh gần giống Việt Nam như Banglades thì họ cũng đã có cơ chế cho người nghèo vay tiền, tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng được. Giáo sư một trường đại học ở nước này là người sáng kiến ra mô hình ngân hàng cho người nghèo và đưa cơ chế cho họ vay tiền để mua nhà hoặc sinh kế mà không cần chứng minh khả năng trả nợ.

Theo đó, họ tạo lập một cộng đồng những người có nhu cầu mua nhà ở. Cộng đồng này có thể theo địa phương, cơ quan hoặc hiệp hội. Cộng đồng những người vay nợ giám sát nhau, cam kết thu lợi và trả nợ được từ đồng vốn đó. Sau đó, các tổ chức này liên kết với các nhà tài trợ, doanh nghiệp có năng lực để bảo lãnh cho số vốn vay đó. Và khi đã có bảo lãnh, đủ năng lực thì không lo ngại tiền cho vay ra không quay về.

Bên cạnh đó, nên có một cơ chế khác với người giàu để dành riêng cho người nghèo vay. Ở Thái Lan, Philippines cũng có những cơ chế cho người nghèo vay tiền mà không phải chứng minh trả nợ. Tôi cho rằng đó là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

Hồ Hương - Phượng Vũ (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.