23/11/2022 7:00 AM
Nếu vay ngân hàng để đầu tư chứng khoán và bất động sản, thì lúc này hãy bán cắt lỗ bằng mọi giá. Vì chắc chắc nhà đầu tư sẽ không đủ sức trả lãi ngân hàng thời gian tới.

Tổng giám đốc BHS Group cho rằng thời điểm này nên tìm mọi cách bán bất động sản. Ảnh minh hoạ

Trong giai đoạn thị trường suy thoái như hiện nay, dù là vay ngân hàng hay không thì cũng nên bán bằng mọi giá.

Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group, đưa ra lời khuyên trên trước những diễn biến thị trường thời gian vừa qua và dự báo sắp tới.

Qua rồi thời đánh đâu thắng đó

Theo ông Nga, thị trường bất động sản được đẩy lên cao trào vào năm 2008, đỉnh điểm năm 2009. Đặc điểm của giai đoạn 2009-2010 là việc kiếm tiền từ nghề môi giới bất động sản rất dễ, bởi cầu nhiều hơn cung. Giao dịch từ cho thuê, bán hàng chung cư, thổ cư, dự án mới…tấp nập mọi nơi, đến nỗi có thể hẹn khách hàng dời lịch “chốt cọc” nếu bận dở việc.

Tuy nhiên, ông Nga cho biết, có những dự án mở bán thời điểm đó nhưng đến nay sau 12 năm vẫn chưa triển khai và hoàn thiện cho dân vì cơn bão khủng hoảng, bong bóng bất động sản năm 2012 ập tới.

Phân tích sâu hơn về giai đoạn 2009-2010, ông Nga cho biết, trong 2 năm này, ai làm bất động sản thì thắng bất động sản, ai làm chứng khoán thì thắng chứng khoán.

“Việc kiếm tiền thực sự dễ dàng khiến cho sự ảo tưởng càng lên cao, kiếm được tiền nhỏ thì mong kiếm được tiền to hơn, vay mượn nhiều hơn để đánh quả lớn hơn, bơm quả kkinh khí cầu to hơn để bay cao hơn, rồi khinh khí cầu bất động sản nổ tung vào năm 2011, mở đầu cho cuộc khủng hoảng bất động sản lớn chưa từng có, lan rộng ra mọi ngành nghề và hệ lụy nó để lại vẫn còn dư âm đến tận bây giờ, sau 10 năm hơn”, ông Nga đánh giá.

Nguyên nhân khiến thị trường năm 2011 đổ bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế thế giới (khởi đầu tư Mỹ) 2008 và việc kiểm soát cho vay tín dụng chưa thực sự tốt lúc bấy giờ, khiến lãi suất cho vay ngân hàng có thời điểm lên tới 24%/năm và một số lý do đơn giản khác, được vị này ví như quả bóng bị thổi lên to quá, trong khi bên trong rỗng mà vỏ thì lại quá mỏng.

Thị trường chứng khoán có thời điểm lên tới đỉnh hơn 1000 điểm, nhưng tới 2011 rớt còn 285 điểm, cổ phiếu giá cao nhất được ghi nhận tại thời điểm sốt là hơn 600.000đ/cổ phiếu và cổ phiếu rớt giá thấp nhất được ghi nhận còn là 700 đồng/cổ phiếu.

“Cơn khủng hoảng lúc đó khiến mọi thứ trở nên bi quan. Đó là một giai đoạn đầy thách thức, nhưng cũng nhiều bài học khi các chủ đầu tư phá sản hàng loạt, các sàn môi giới đóng cửa liên tục, các sales bỏ nghề, bỏ số điện thoại để tránh bị khách hàng cũ khủng bố, các doanh nhân lẫy lừng…trốn nợ”, ông Nga cho hay.

Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có những sales tiếp tục tồn tại với nghề, vẫn có những doanh nghiệp băng qua khó khăn, chớp cơ hội và trở thành những tên tuổi lớn tới ngày hôm nay.

Vấn đề đặt ra là họ đã làm gì, kinh doanh gì, trong giai đoạn này? Đó là bài học có thể áp dụng ngay trong chính giai đoạn tiền khủng hoảng 2022.

Nên bán cắt lỗ bằng mọi giá

Ông Nga cho rằng, trong thời gian sắp tới, sẽ có những cuộc khủng hoảng nhỏ, giữa khách hàng với chủ đầu tư, giữa sales với sales, giữa sales với doanh nghiệp…nhưng theo ông nếu chân thành xử lý, mọi chuyện sẽ qua.

Thời điểm này, chuyên gia này khuyên sales nên tìm bất kỳ sản phẩm nào có thanh khoản thì bán để sinh tồn.

Ông Nga cho rằng, có 4 loại sản phẩm sẽ vẫn giao dịch được trong giai đoạn hiện nay. Đó là chung cư, nhà để ở; đất nền khu công nghiệp; nhà ở xã hội; căn hộ khách sạn giá xoay quanh 1,5 tỉ đồng.

Ông Nga khuyên các môi giới bất động sản nếu vẫn muốn đi đường dài với nghề, thì đừng bao giờ bỏ qua các cuộc điện thoại của khách hàng cũ để xử lý các tình huống khủng hoảng phát sinh. Hãy luôn bên cạnh và dựa vào khách hàng.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, ông Nga cho rằng ứng xử thế nào với nhân viên và đối tác lúc này sẽ quyết định tầm và quy mô, sức vóc của doanh nghiệp đó trong vòng 10 năm tới.

Theo ông, nếu việc làm có lợi cho cán bộ nhân viên thì phải làm bằng được, vì chính họ mới là người xây dựng và giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh cơ hội giai đoạn này.

Bên cạnh đó, môi giới bất động sản phải thay đổi tư duy. “Đã qua rồi thời kiếm hàng trăm triệu/giao dịch, thu nhập khủng mỗi tháng. Hãy bình tâm lại, đầu tư vào bản thân, nghe và tham gia đào tạo nhiều hơn, nhặt từng đồng lẻ, từng giao dịch lẻ”, ông Nga nhấn mạnh.

Đối với những ai đang đọng tiền trong bất động sản và chứng khoán, Tổng giám đốc BHS Group khuyên, nếu vay ngân hàng thì hãy bán cắt lỗ chứng khoán và bất động sản bằng mọi giá, vì chắc chắc nhà đầu tư không thể đủ sức trả lãi ngân hàng thời gian tới.

Nếu không vay ngân hàng thì có 2 lựa chọn: Hoặc là cũng bán bằng mọi giá, thu tiền mặt về, chấp nhận thua keo này, làm vững một nghề duy nhất. Hoặc là đóng lại và bỏ đó.

Cuối cùng, vị này khẳng định, quy luật tất yếu của thị trường là 2 trạng thái luôn tồn tại: sốt và đóng băng. Sẽ không bao giờ thị trường tồn tại mãi một trạng thái.

“Với những nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiền, có kinh nghiệm trải qua thời kỳ này, họ sẽ không tìm kiếm bất cứ bài học gì mà chắc chắn họ đang tìm kiếm cơ hội”, ông Nga cho biết.

  • Vay đầu tư bất động sản khó hơn

    Vay đầu tư bất động sản khó hơn

    Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ phía ngân hàng, khi các quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn điều chỉnh từ 60% xuống 50% và tỷ lệ rủi ro kinh doanh bất động sản được điều chỉnh tăng từ 150% lên 200% được áp dụng.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.