19/12/2011 12:52 AM
Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây báo cáo tổng kết năm của Ngân hàng Nhà nước công bố thiếu vắng những con số về lượng vốn huy động của hệ thống.
“Vắng mặt” số liệu huy động vốn
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trên thị trường vàng, "giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng".

Sáng nay (17/12), Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin báo chí về điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, định hướng và giải pháp điều hành năm 2012. Một trong những con số được mong đợi nhất lại không thấy đề cập đến.

Cụ thể, bên cạnh các dữ liệu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, số liệu về tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng không có trong thông tin công bố.

Số liệu huy động vốn của hệ thống được mong đợi bởi nó phản ánh thực tế có nhiều xáo trộn trong thời gian gần đây, đặc biệt trong tháng 11/2011. Đáng chú ý là thông tin về tình hình hoạt động của hệ thống trong tháng 11/2011 cũng không được Ngân hàng Nhà nước tập hợp và công bố như thường thấy.

Trước đó, thị trường chờ đợi con số về tình hình huy động vốn của các ngân hàng trước sự xáo trộn của tâm lý người gửi tiền xoay quanh hiệu ứng bất lợi của thông tin tái cấu trúc hệ thống, khi có những lo ngại về khả năng sáp nhập một số ngân hàng nhỏ dù nhiều lần Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ đảm bảo an toàn hệ thống; bên cạnh đó là nhiều biến động trên thị trường vàng với thực tế có những thời điểm người dân đổ xô đi mua vàng.

Hơn nữa, trước tháng 11/2011, hoạt động ngân hàng đã chứng kiến hai tháng liên tiếp huy động vốn sụt giảm. Liệu trạng thái đó có tiếp tục thể hiện? Phía sau đó còn phản ánh một phần niềm tin của người dân vào VND, phản ánh sự hấp dẫn của lãi suất khi cơ chế trần được làm nghiêm…

Trở lại với thông tin vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, không có nhiều thay đổi khi năm 2011 này tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp như những dự tính đưa ra trước đó.

Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%. Kết quả này được Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận là góp phần đưa lạm phát tăng chậm lại (từ tháng 8 đến nay, lạm phát tăng dưới 1%/tháng); đồng thời góp phần giảm mạnh nhập siêu, cải thiện đáng kể cán cân thanh toán quốc tế.

Trong năm nay, tín dụng đã được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm, tín dụng tăng 12%, trong đó bằng VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, nhưng từ tháng 8 đến nay tín dụng ngoại tệ đã có xu hướng tăng chậm lại.

Theo báo cáo, thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản đã được đảm bảo. Từ tháng 10/2011, một số tổ chức tín dụng có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.

Về thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá”.

Có một điểm bất cập được nhà điều hành đưa ra là trong những tháng đầu năm, hoạt động thanh tra, giám sát chưa quyết liệt, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm dẫn tới hiện tượng các tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách” các quy định, tạo ra sự méo mó trong số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ, mặc dù, gần đây hiện tượng này đã giảm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thanh khoản của toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên một số ngân hàng cổ phần gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản đã ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức tín dụng khác, gây biến động trên thị trường liên ngân hàng và tạo ra dư luận không tốt đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường liên ngân hàng, giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản và hỗ trợ kịp thời qua cho vay tái cấp vốn, tăng cung trên nghiệp vụ thị trường mở.

Trên thị trường ngoại hối, mặc dù niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố nhưng tình trạng đô la hóa vẫn chưa được giải quyết triệt để; tín dụng ngoại tệ tăng cao, một số tổ chức tín dụng có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số tổ chức tín dụng huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các tổ chức tín dụng lách các quy định về tỷ giá làm tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Một số hạn chế của hệ thống ngân hàng về thanh khoản, nợ xấu đang ngày càng bộc lộ rõ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.