Các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ phải bán vàng nhiều phiên nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vẫn khát
Thời hạn tất toán vàng đã qua 10 ngày nhưng “cơn khát” mua vàng đấu thầu từ các ngân hàng, doanh nghiệp dường như vẫn chưa được thỏa mãn. Việc những tên tuổi lớn trong giới ngân hàng như Eximbank, ACB, Phương Nam, Phương Đông, Sài Gòn, Việt Á, Vietinbank và Sacombank cùng các doanh nghiệp như DOJI, Phú Quý, PNJ, Kim Ngọc Phú, SJC tham gia các phiên đấu có thể thấy nhu cầu vàng khá
đa dạng.
Theo các chuyên gia, NHNN không hẳn đã mừng nếu chỉ nhìn vào mức lãi hơn 4.000 tỷ đồng mà ngân sách thu được từ việc bán ra gần 43 tấn vàng trong suốt thời gian qua. “Bài toán lớn” buộc NHNN sẽ phải lưu ý chính là tìm ra cách dừng “cơn khát” vàng của thị trường trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, việc NHNN phải tiếp tục bán vàng ra với khối lượng lớn chắc chắn sẽ tiếp diễn. Thế nên không ngạc nhiên khi các đơn vị tranh thủ gom vàng đón đầu thị trường.
Theo phân tích, vàng đấu thầu bị hút sạch trong những ngày qua một phần do đây mới là thời điểm các ngân hàng mua vàng để thực hiện kinh doanh. Số vàng mua trước đây là nhằm phục vụ cho việc tất toán. Với việc được mua vàng trong giới hạn tương đương tối đa 2% vốn tự có, các ngân hàng và doanh nghiệp được phép gom vào nhiều tấn vàng nữa để phục vụ việc kinh doanh.
Còn nếu so với số liệu trong báo cáo mới đây của Hiệp hội vàng thế giới (WGC), có thể thấy để đáp ứng nhu cầu của thị trường ước tính lên tới 77 tấn như trong năm 2012, NHNN sẽ phải bán ra lượng vàng không nhỏ nữa. Với mức nhu cầu này, chỉ cần NHNN dừng đấu thầu, thị trường chắc chắn sẽ biến động khó lường.
Trao đổi với PV, đại diện một số ngân hàng liên tục tham gia đấu thầu vàng đều từ chối công bố số lượng vàng cụ thể mua vào trong thời gian qua. “Là đơn vị kinh doanh, khi mua vào, dù giá có cao, chúng tôi đều có phương án. Thấy có lời mới mua chứ ai dại gì mua vào để chịu lỗ”, phó tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở ở phía Nam cho biết.
Giảm dần lượng vàng bán ra
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp vàng cho biết, việc giá vàng bị neo ở mức cao một phần xuất phát từ chính việc độc quyền cung vàng từ NHNN. Do đấu thầu theo định kỳ nên các nhà đầu tư “bắt bài” được thị trường để nhảy vào “vợt” vàng hoặc đầu cơ đẩy giá lên. “Khi còn độc quyền phân phối thì việc làm giá hết sức đơn giản, vị này phân tích.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Cty vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, vàng đấu thầu đưa ra bao nhiêu được vét sạch bấy nhiêu trong những ngày qua do vẫn còn một số ngân hàng chưa tất toán xong trạng thái.
Cùng với đó, do giá vàng thế giới bắt đầu có dấu hiệu quay đầu tăng trở lại nên giới đầu cơ găm giữ USD thực hiện chốt lời để chuyển sang găm giữ vàng nhằm đón sóng mới. “Tôi đi buôn mà biết nơi bán hàng gốc chỉ định kỳ bán ra thì tôi cứ nương giá đó và tình hình thị trường mà chốt giá phân phối lại cho các đại lý F2, F3. Vàng qua tay các đại lý đương nhiên sẽ bị đội giá”, ông phân tích.
Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, ông Trần Quốc Quýnh, cũng cho rằng việc NHNN bán hết sạch vàng trong các phiên đấu thầu cho thấy cơn “khát” vàng vẫn chưa được thỏa mãn. “NHNN vẫn chỉ còn biện pháp thực hiện đấu thầu để đảm bảo nguồn cung đáp ứng thị trường chứ chưa có biện pháp gì hơn. Việc chuyển hóa nguồn “vàng chết” trong dân thành nguồn lực để phát triển kinh tế cũng rất khó thực hiện, không phải việc dễ do người dân vẫn chưa tin vào việc này”, ông nhận định.
Một chuyên gia về giá phân tích, cũng không loại trừ việc các ngân hàng tiếp tục mua mạnh vàng có thể nhằm “bù đắp” việc đã lỡ dùng đến số vàng mà người dân nhờ giữ hộ trong thời gian qua. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra chứ không tự nhiên mà NHNN ra yêu cầu một số đơn vị tạm ngừng dịch vụ giữ hộ vàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN cho biết, đến nay các ngân hàng đã mua đủ vàng để tất toán trạng thái, cả huy động lẫn cho vay nên thời gian tới NHNN vẫn đấu thầu vàng nhưng khối lượng sẽ ít đi. Tần suất đấu thầu cũng giảm chứ không liên tục như vừa qua. Cụ thể lượng vàng bán ra thị trường trong phiên đấu thầu ngày 11/7, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ chỉ còn 26.000 lượng, giảm khá mạnh so với lượng bán ra 40.000 lượng trong các phiên đấu thầu trong tuần qua.
Thị trường vàng còn biến động Tại hội thảo “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL” do VCCI Cần Thơ tổ chức ngày 10/7, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, giá vàng còn biến động một thời gian nữa rồi mới ổn định. Việc đấu thầu vàng, theo ông Nghĩa, chỉ là giải pháp ngắn hạn. Biện pháp dài hạn để ổn định thị trường vàng trong nước là liên thông với thế giới. Nhưng liên thông không phải thô sơ mang hàng chục tấn vàng qua lại như trước đến nay mà phải thành lập được sàn kinh doanh vàng. Khi đó vàng kinh doanh sẽ thực hiện qua tài khoản hoặc bằng chứng chỉ. Sáu Nghệ |