Thông thường, khi khủng hoảng xảy ra, các nhà đầu tư sẽ tìm đến các kênh đầu tư rủi ro thấp, ít có sự biến động giá như trái phiếu chính phủ Mỹ và ở chừng mực nào đó là vàng. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2007 đã đưa các dòng vốn một lần nữa tìm đến các kênh đầu tư này.
Tuy nhiên, trong khi trái phiếu chính phủ Mỹ tương đối ổn định khi mà lợi suất thay đổi không đáng kể thì thị trường vàng lại liên tục dậy sóng. Đầu tư vàng giờ không chỉ được xem là kênh đầu tư an toàn mà đã trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất cao. Tính từ cuối năm 2007 đến nay, giá vàng đã tăng gần gấp ba lần; còn nếu tính từ đầu năm 2011 thì giá vàng đã tăng 30%.
Về cơ bản, một hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận cao thì rủi ro cũng sẽ cao tương ứng. Vàng từ một kênh đầu tư an toàn đang trở thành kênh đầu tư có lợi nhuận cao, do đó rủi ro cũng sẽ cao. Đây là lý do mà nhiều tổ chức tài chính đã nâng mức rủi ro của đầu tư vàng lên.
Mới đây Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CME) đã tăng tỷ lệ ký quỹ đối với giao dịch vàng kỳ hạn lên thêm 22%. Wells Fargo, một đại gia về lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ, cũng đưa ra nhận định thị trường vàng đang có bong bóng và khi bong bóng vỡ giá vàng có thể sẽ giảm 30%.
Ở thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư cũng đã rất thận trọng trước cơn bão giá vàng thế giới trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện qua lượng vàng mua bán tương đối thấp khi giá vàng thế giới liên tục lập các mức cao kỷ lục mới.
Giá vàng tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua đã mang lại lợi nhuận cao cho rất nhiều nhà đầu tư. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư mới tham gia thị trường vàng, trong khi các nhà đầu tư trước đó sẽ đầu tư nhiều hơn nữa, thậm chí đi vay để đầu tư. Cứ như vậy giá vàng càng tăng càng thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn, vay nợ nhiều hơn nữa. Những người cho vay cũng có suy nghĩ vàng sẽ tiếp tục tăng giá và không ngần ngại giải ngân.
Tuy nhiên, vàng cũng giống như tất cả những tài sản khác, không thể tăng giá mãi. Rồi sẽ đến thời điểm nhà đầu tư giật mình đặt câu hỏi liệu rằng mình có định giá quá cao so với giá trị thật của vàng? Khi đó họ sẽ ngay lập tức bán vàng ra. Tiếc thay, đây không chỉ là suy nghĩ của một vài nhà đầu tư mà là suy nghĩ của toàn thị trường và do đó các lệnh đặt bán sẽ áp đảo và giá vàng bắt đầu tụt dốc.
Giá vàng giảm sẽ làm cho các khoản “nợ tốt” nhanh chóng biến thành nợ xấu, các nhà đầu tư với khả năng thanh khoản bị siết chặt sẽ buộc phải bán vàng, làm cho nguồn cung tiếp tục gia tăng và giá càng giảm mạnh sâu hơn.
Điều này nếu xảy ra có thể xem như “thời điểm Minsky” (thời điểm nhà đầu tư vay nợ quá nhiều phải bán ra để trả nợ, làm giá giảm mạnh) của vàng. Và nếu không có sự can thiệp thì “thời điểm Minsky” có thể gây ra sự đổ vỡ trên thị trường vàng và lan sang các lĩnh vực khác như ngân hàng và các quỹ đầu tư vàng như đã từng xảy ra khi thị trường bất động sản hay chứng khoán đổ vỡ.