Thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo nhiều dự án giao thông, hạ tầng đô thị cũng bị đình, hoãn, giãn tiến độ.

Nếu như trước đây, thị trường bất động sản được biết đến như một “cỗ máy in tiền” cho các chủ đầu tư, là nguồn vốn đối ứng khổng lồ cho các dự án hạ tầng đô thị, thì nay, câu chuyện đã đảo ngược.

Gần đây, không ít dự án giao thông phải giãn tiến độ. Ảnh: C.C

Chủ đầu tư nhiều dự án xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) đã tìm các “hoãn binh”, hoặc trả lại dự án cho cơ quan cấp phép.

Điển hình như Dự án đường trục Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ) giao Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, hay Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên giao Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư.

Trong tình cảnh thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều dự án được UBND TP. Hà Nội kêu gọi đầu tư, nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham gia, như Dự án Xây dựng cầu sông Đuống (huyện Gia Lâm); Dự án Xây dựng đường vành đai 4 (đoạn Quốc lộ 1B đến chân cầu Mễ Sở) và cầu Mễ Sở; Dự án Xây dựng trục đường nối từ chân cầu Vĩnh Tuy qua sông Đuống đến Ninh Hiệp...

Theo thông báo của UBND TP. Hà Nội, trong 3 năm tới (2013 – 2015), có ít nhất 139 dự án đầu tư (chủ yếu là các dự án giao thông và hạ tầng đô thị) có sử dụng vốn ngân sách phải đình, giãn, hoãn tiến độ thực hiện, do không cân đối được nguồn vốn.

Trong số đó, nhiều dự án thuộc diện đổi đất lấy hạ tầng, như Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Ngọc Hồi - Thường Tín và đoạn Thường Tín - Cầu Giẽ (5.500 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn qua các huyện Đông Anh, Sóc Sơn (3.500 tỷ đồng); hoặc dự án dự kiến sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, nhưng không cân đối được nguồn vốn, như Dự án đường vành đai II đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (4.000 tỷ đồng), Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II (2.561 tỷ đồng)...

Kết quả rà soát các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT gần đây cho thấy, trong số gần 100 dự án được tiến hành kiểm tra, rà soát, chỉ có 4 dự án đã hoàn thành xây dựng (gồm Bảo tàng Hà Nội, Cung trí thức Hà Nội, Đường trục phát triển phía Bắc Hà Đông và Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đến hết địa phận Hà Nội cũ).

Nhiều dự án trước đây được triển khai theo hình thức BOT, BT có tổng vốn đầu tư lớn, như Dự án cải tạo, nâng cấp đê Hữu Hồng kết hợp làm đường (vốn 18.000 tỷ đồng); Dự án xử lý kè chống sạt lở sông Hồng, sông Đà, sông Đuống (vốn 3.069 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp sông Hang và kênh xả lũ hồ Đồng Mô (vốn 1.447 tỷ đồng); Dự án xây dựng cơ sở hỏa táng tại Đông Anh (vốn 502 tỷ đồng)… nay đã được chuyển sang sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách cho các dự án đầu tư công bị cắt giảm, các dự án chuyển đổi này cũng phải tạm dừng.

Khi thị trường bất động sản tăng giá liên tục, dự án đổi đất lấy hạ tầng từng được xem là một hướng đi triển vọng của chính quyền nhiều địa phương, là “mỏ vàng” của các nhà đầu tư bất động sản khi được “đối ứng” bằng một quỹ đất hào phóng. Tuy nhiên, câu chuyện đã hoàn toàn đảo ngược khi thị trường bất động sản xuống giá.

Theo ông Nguyễn Gia Phương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT đều đối ứng bằng quỹ đất. Hiện tại, nhà đầu tư không còn mặn mà với các dự án BT đối ứng bằng đất, vì kinh tế khó khăn, bất động sản quá trầm lắng, vốn tín dụng huy động khó khăn.

“Với các dự án đang triển khai, nhìn chung tiến độ rất chậm. Một số dự án đã hoàn thành, nhưng vẫn dây dưa ở khâu quyết toán. Nhiều dự án chưa thực hiện điều chỉnh, chưa xác định được quỹ đất đối ứng. Rõ ràng, thị trường bất động sản trầm lắng đang khiến nhiều dự án giao thông, hạ tầng đô thị bị vạ lây”, ông Phương cho biết.

Quang Hà (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.