Đó là nội dung trong “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020” vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc Hội.
Theo đó, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến Cà Mau dài 2.109km, hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác 223km, đang thực hiện đầu tư 297km và đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67km. Còn lại 1.372km trên đoạn Hà Nội – TP.HCM và 150km đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau cần phải đầu tư mới và mở rộng lên 4 làn xe.
Kế hoạch triển khai tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn từ năm 2017-2020: Đầu tư và đưa vào khai thác một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam gồm Nam Định (Cao Bồ) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt), Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên Huế (La Sơn), Đồng Nai (Dầu Giây) - Khánh Hòa (Nha Trang) với tổng chiều dài khoảng 713km đi qua 12 tỉnh, thành phố (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai);
Giai đoạn năm 2021-2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Hà Tĩnh (Bãi Vọt) - Quảng Trị (Cam Lộ), Quảng Ngãi - Khánh Hòa (Nha Trang);
Giai đoạn sau năm 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.
Với 713km sẽ triển khai trong giai đoạn 2017 – 2020, sẽ được chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó, 8 dự án thành phần gồm các đoạn: Ninh Bình (Mai Sơn) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt) và đoạn Khánh Hòa (Nha Trang) - Đồng Nai (Dầu Giây) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Đối với 3 dự án thành phần còn lại, gồm: Nam Định (Cao Bồ) - Ninh Bình (Mai Sơn), Thừa Thiên - Huế (La Sơn) - Đà Nẵng (Túy Loan) và Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên - Huế (La Sơn) kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 130.216 tỷ đồng (tính toán theo mặt bằng giá quý II/2017), gồm: 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho dự án quan trọng quốc gia thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26 ngày 10/11/2016; nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng và nguồn vốn đã được cân đối của dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hợp đồng BT khoảng 11.500 tỷ đồng.