Mấy hôm nay, dư luận nóng lên xung quanh chuyện di dời Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Tòa nhà này được xây dựng trên diện tích 23 ngàn mét vuông, gồm 36 tầng, đưa vào sử dụng cuối năm 2014. Đây là nơi làm việc tập trung của UBND thành phố Đà Nẵng và 26 sở ngành chức năng thuộc UBND thành phố.
Tại Kỳ họp Thứ 2, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa 14 ngày 11/8 vừa qua, có đại biểu đặt câu hỏi về thông tin thành phố sắp di chuyển các cơ quan thành phố ra khỏ tòa nhà này. Thông tin lập tức gây bão dư luận trong suốt những ngày qua. Ngay sau đó, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chưa có bất kỳ cuộc họp nào để thảo luận về vấn đề này”.
Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng
Tuy nhiên, dư luận tại thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. PV Đài TNVN thường trú khu vực miền Trung đã gặp gỡ các chuyên gia xây dựng, giới kiến trúc sư tìm hiểu về việc nên ứng xử thế nào với Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng.
Kiến trúc sư Tô Văn Hùng, Trưởng Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố cho biết, giải pháp thiết kế công trình Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng mang tính biểu cảm cao về mặt thẩm mỹ nhưng về mặt kỹ thuật, việc sử dụng vỏ bao che có diện tích lớn bằng chất liệu kính chưa thật sự phù hợp với địa phương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.
Các tầng trên cao như tầng 30, 31 có nhiệt độ không ổn định do bức xạ lớn, một số vị trí có diện tích cửa cấp gió tươi giải nhiệt nhỏ hay việc bố trí các cửa cấp gió chưa hợp lý dẫn đến nhiệt độ bên trong khá cao, đặc biệt là các vị trí tại hướng tây tòa nhà hay một số vị trí có dàn nóng đặt trong nhà…
Theo kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, Hội viên Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, khi Đà Nẵng có ý tưởng xây dựng Trung tâm Hành chính tập trung trên nền thành Điện Hải, giới kiến trúc sư, các nhà chuyên môn ở Đà Nẵng đã nêu những nhược điểm của tòa nhà này. Bởi khu vực xây dựng Trung tâm Hành chính Thành phố Đà Nẵng nằm ở khu vực trung tâm, mật độ dân cư dày đặc. Lại nữa, khu vực này nằm trong khuôn viên di tích thành Điện Hải là di sản đặc biệt của Đà Nẵng.
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: Việc xây dựng tòa nhà 5 tầng trên sông Hàn là không thể chấp nhận được
Đồng quan điểm với kiến trúc sư Tô Văn Hùng, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm cho rằng, khi xây dựng tòa nhà chưa tính đến hiệu ứng nhà kính: “Lúc đó chưa nghĩ đến hiệu ứng nhà kính. Bởi vì tin rằng, loại kính sử dụng đây sẽ là loại kính lạnh Và họ thiết kế có hệ thống thông hơi điều hòa nên sẽ không ghê gớm lắm. Nhưng đến bây giờ nhiệt độ tăng lên. Cái nóng của miền Trung mình gây hiệu ứng nhà kính, gây thiếu không khí, gây nóng nhiệt”.
Ông Hồ Duy Diệm đặt vấn đề, khi xảy ra sự cố thì 1.200 người làm việc trong tòa nhà sẽ thoát hiểm như thế nào? Tòa nhà tập trung Văn phòng UBND thành phố, cơ quan đầu não của thành phố cùng 26 sở ngành nhưng cơ quan chức năng chưa lường được hết yếu tố phòng cháy chữa cháy, sự cố thiên tai cháy nổ.
Trả lời báo chí về việc Đà Nẵng là đô thị lớn ở ven biển nên Trung tâm hành chính thành phố được thiết kế theo dạng ngọn hải đăng dẫn đường, là biểu tượng của địa phương, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cho rằng: Đúng là cần có sự đa dạng về kiến trúc, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương nhưng phải có những dấu ấn để nhận diện đó là biểu tượng của cơ quan quyền lực.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, đã là biểu tượng của quyền lực thì về mặt kiến trúc không nên quá khác biệt, đặc biệt là gây nhầm lẫn với những cơ quan khác như nhà hát, khách sạn. Bởi đây là điều tối kỵ.
Tiến sỹ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng đã tạo ra được một điểm nhấn kiến trúc đô thị khác biệt, tập trung được cán bộ lại một nơi, tạo thuận lợi trong giao dịch. Tuy nhiên, cũng nảy sinh những bất cập đó là: không bảo đảm an toàn về cháy nổ, thoát hiểm, lưu trữ hồ sơ....
Theo ông Phạm Anh Tuấn, trên thế giới, các tòa nhà cao tầng xây dựng kiểu như Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng rất nhiều, nhưng họ vẫn vận hành tốt, nhờ sử dung công nghệ và vật liệu xây dựng chất lượng cao, đắt tiền. Riêng phần kính bao che bên ngoài, phải sử dụng từ 2 đến 3 lớp kính, ở giữa tạo khoảng hở để cách nhiệt và thông khí.
Ngoài ra, cứ mỗi tầng tòa nhà, thiết kế mở một vài cửa sổ để lấy không khí bên ngoài, kết hợp với công suất máy điều hòa trung tâm rất lớn. Trong khi đó, Tòa nhà Trung tâm hành chính của Đà Nẵng, phần kính bao ngoài chỉ làm một lớp, chất lượng không đảm bảo, chưa đủ để cách nhiệt, lại bao phủ hết nên hạn chế khí bên ngoài vào, hệ thống điều hòa trung tâm lại yếu nên xảy ra hiện tượng thiếu khí và nóng.
Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, cho rằng, giải pháp khắc phục thiếu khí tươi và chống nóng ở Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng không khó, có thể khắc phục bằng cách tăng công suất máy điều hòa trung tâm, mở một số vị trí cửa sổ để lấy khí tươi. Và có thể sử dụng lớp dán chống nóng...
Tuy nhiên, các giải pháp này tốn kinh phí rất lớn và đặc biệt chi phí vận hành lâu dài của tòa nhà sẽ tăng lên. Vì vậy, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn khuyến cáo thành phố Đà Nẵng nên di chuyển khu hành chính, bằng cách xây nhiều tòa nhà thấp tầng trong một khu. Làm được như vậy, sẽ tận dụng được ánh sáng, không khí tự nhiên, tiết kiệm được chi phí điện năng cho ánh sáng, điều hòa, thông gió, bảo đảm an toàn cháy nổ. Điều quan trọng, nguồn kinh phí xây dựng và vận hành lâu dài sẽ tiết kiệm rất nhiều so với một tòa nhà cao tầng như hiện nay.
Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn nói: “Tòa nhà hành chính tập trung, cao tầng như thế chỉ phù hợp với các nước phát triển, hoặc chỉ phù hợp với đơn vị kinh doanh văn phòng, vì họ có nguồn thu. Chứ với điều kiện ở Việt Nam mình nguồn kinh phí cho hoạt động chính quyền còn hạn chế, bỏ ra một khoản kinh phí lớn để chi phí vận hành cả một tòa nhà văn phòng như thế là chưa phù hợp. Mình nên có một khu hành chính tập trung và không cao quá 5 tầng”.
Kỹ sư Trần Dân, Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng cho rằng, nếu thành phố nói nguyên nhân tòa nhà thiếu khí tươi, không đảm bảo điều kiện sức khỏe làm việc cho cán bộ, nhân viên và chi phí vận hành quá lớn, tốn kém thì việc di chuyển trung tâm hành chính là cần thiết. Bản thân ông cũng đã nghe nhiều người phàn nàn cảm thấy khó thở, mệt mỏi, nhất là phụ nữ khi làm việc ở những tầng cao trong tòa nhà đó.
Vì vậy, trước khi có quyết định di chuyển hay ở lại, thành phố Đà Nẵng nên lấy ý kiến của gần 1.200 người làm việc trong tòa nhà đó. Chính những cán bộ, nhân viên làm việc trong tòa nhà náy mới biết rõ họ có thật sự an tâm làm việc trong điều kiện môi trường như thế này hay không. Đồng thời cũng nên lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân, các chuyên gia, Hiệp hội chuyên ngành.
Cũng theo Kỹ sư Trần Dân, những khiếm khuyến ở tòa nhà đó có khắc phục được không, nếu khắc phục được mà quá tốn kém thì thành phố nên tính đến phương án xử lý hợp tình hợp lý, không để thất thoát tài sản của nhà nước: “Lý do là thiếu ô xy, nguồn năng lượng quá tốn, cho nên chi phí quá tốn tôi cho 2 lý do đó chính đáng nhưng mà lấy ý kiến tỏng tòa nhà hành chí đó có bao nhiêu phần trăm đề nghị di dời. Nếu vì sức khỏe con người thì nên làm trung tâm hành chính mới vì đất trống ở Đà Nẵng còn nhiều”.
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.Đà Nẵng cho biết, ý kiến chính thức của Hội là ủng hộ phương án di dời Trung tâm hành chính đi nơi khác để giãn mật độ giao thông. Theo ông Hoàng Quang Huy, Tòa nhà hành chính không nên đặt tại vị trí hiện tại, có thể giãn bớt ra, đưa khí vào, tăng hệ thống điều hòa lên thì cũng chắp vá. Tốt nhất là nếu có nhà đầu tư nào muốn tiếp nhận và mua lại với khoản tiền hợp lý để thành phố xây dựng công trình mới thì đó cũng là sự hoán đổi công trình cho nhau. Điều quan trọng là cần phải chăm lo sức khỏe cho những người làm việc trong tòa nhà này.
“Trong quá trình sử dụng công trình này thấy rằng nó không phù hợp với chức năng này thì có thể hoán đổi sang chức năng khác hợp lý hơn, tốt hơn . Quan điểm của Hội là sẵn sàng ủng hộ tư tưởng, kế hoạch, chương trình di dời lực lượng làm việc ấy ra một chỗ khác, hoán đổi nó cho một chức năng khác hợp lý hơn” - ông Hoàng Quang Huy nói.
Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phương án khắc phục tình trạng nóng và thiếu dưỡng khí. Việc quy hoạch xây dựng khu hành chính tập trung mới là ý tưởng ban đầu, tầm nhìn dài hạn, đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cho thật sự phù hợp với quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của thành phố Đà Nẵng và phải bảo đảm tính hiệu quả, tiện lợi trên mọi phương diện.
Mặc dù mới chỉ là ý tưởng ban đầu về di dời trung tâm hành chính ở thành phố Đà Nẵng nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại có hay không tình trạng lãng phí hàng ngàn tỷ đồng?. Công trình xây dựng hơn 2 ngàn tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng gần 2 năm đã bộc lộ nhiều bất cập. Đây cũng là bài học đắt giá trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng./.