Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục giảm trong những tháng cuối năm 2016. Lo không có đã đành, nhưng khi có giải ngân không được càng lo hơn.
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), 5 năm qua Việt Nam đã giải ngân 27,8 tỷ USD nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), gấp 3,5 lần giai đoạn 2001-2005. Thế nhưng, tính đến hết tháng 11-2016, vốn ODA đã ký nhưng chưa giải ngân còn khoảng 22 tỷ USD. Trong đó có 2,15 tỷ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.
Lãi suất vay ODA khoảng 1,7%/năm, kỳ hạn trung bình 12,3%/năm. Ngành giao thông vận tải dù được đánh giá là đơn vị có mức giải ngân ODA cao, đạt hơn 80% kế hoạch trong năm 2015, song vẫn còn nhiều dự án lớn chưa đạt yêu cầu, như dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 1. Dự án xây dựng cầu cạn - đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ... Tại nhiều tỉnh, một số dự án có vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng/năm, nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí chưa tới 10% số vốn đăng ký. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải chịu lãi suất vay 0,33%/năm
Thiếu vốn, thiếu tiền đành khoanh tay, đằng này có vốn, có tiền, các dự án công trình vẫn cứ chậm chạp. Phải chăng câu chuyện vay, huy động, quản lý và sử dụng vốn quốc gia bất cập? Giải ngân chậm đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế? Có ý kiến cho rằng thiếu vốn đối ứng là nguyên nhân khiến 22 tỷ USD vốn ODA bị treo.
Tuy vậy, cũng có ý kiến khẳng định vốn đối ứng chỉ là vấn đề với những dự án đã và đang triển khai, còn thực tế khoản 22 tỷ USD chỉ là vốn cam kết. Vì thế, cho rằng thiếu vốn đối ứng khiến giải ngân vốn ODA chậm là không chính xác. Dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng rõ ràng con số hàng chục tỷ USD vốn ODA bị treo đang gây nhiều bức xúc cho xã hội.
Thực tế, Chính phủ đã “chẩn đoán” rất trúng căn bệnh của giải ngân chậm, từ đó đã có nghị quyết về đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Chính phủ quyết liệt thúc các bộ, ngành, nên kết quả giải ngân 11 tháng năm 2016 mới được đẩy tăng gần 2 lần so với 7 tháng năm 2016. Dù chỉ đạo mạnh mẽ, nhưng nhìn lại 11 tháng qua tỷ lệ giải ngân cũng chỉ ở con số 72,2% kế hoạch. Điều đáng nói có tới 12 bộ, ngành và một số địa phương giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch.
Giải ngân vốn ODA ít, tức đang lãng phí một nguồn lực rất lớn. Nói một cách dễ hiểu hơn, khi đất nước đang cần vốn đầu tư và đã có sẵn tiền nhưng lại không tiêu hết được. Và chắc chắn sẽ còn tiếc hơn nếu biết rằng đến tháng 7-2017 Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA, khi các đối tác chuyển sang các nguồn ưu đãi thấp hơn và tiến tới cho vay theo điều kiện thị trường.
Điều đó đồng nghĩa với nguồn vốn ODA đã vay cũng sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm. Điều này dấy lên lo ngại nếu không đẩy nhanh việc giải ngân 22 tỷ USD vốn vay ODA, áp lực gia tăng nợ công sẽ rất lớn, cả về thời gian và lãi suất. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu tình hình giải ngân không được cải thiện, hàng năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội.
Nhiều năm qua các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân nguồn ODA vẫn là những vướng mắc về thể chế, pháp lý, trình độ năng lực thẩm định kém và tắc nghẽn trong giải phóng mặt bằng. Đã có rất nhiều chỉ đạo về vấn đề này, nhưng dường như lối thoát thực sự cho những điểm nghẽn vẫn chưa được tìm ra.
Trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, việc huy động được và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt vốn ODA và vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước giai đoạn 2016-2020.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là thực hiện quyết liệt các biện pháp để giải ngân được nguồn vốn này. Theo đó, phải rà soát, hoàn thiện khuôn pháp lý về đầu tư công, đơn giản hóa các thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng và thủ tục kiểm soát chi, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế nhằm quản lý đồng bộ và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; tăng cường cơ chế phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chủ quản dự án ODA…
Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ chế tài chính thực sự rõ ràng; để đảm bảo khi dự án được triển khai ngay từ khâu hình thành ý tưởng từng bước cơ chế tài chính cho dự án, dự án chính thức được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện ngay, tránh tình trạng vốn bị chậm.
Sài Gòn đầu tư tài chính
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.