Tuyên Quang có diện tích rừng lớn, nhưng tài sản trên đất là cây rừng chưa được kiểm đếm, nên việc giao đất, giao rừng đang gặp nhiều vướng mắc.

Tỉnh Tuyên Quang có trên 233.000 ha rừng tự nhiên, 189.000 ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, tài sản trên đất là cây rừng chưa được kiểm đếm, nên việc giao đất, giao rừng đang gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, triển kinh tế từ rừng không thực hiện được, đời sống người dân vẫn gặp khó khăn.

Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017 cho phép giao đất rừng tự nhiên cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý, phát triển rừng, đây là cơ hội cho người dân phát triển kinh tế từ rừng.

Ông Hoàng Văn Kiên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình cho biết, việc giao khoán bảo vệ rừng đã được các hộ dân thực hiện rất hiệu quả, rừng đã được bảo vệ.

Theo ông Kiên: "Chúng tôi mong muốn bà con đang nhận giao khoán bảo vệ rừng là diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được giao quản lý để phát triển kinh tế trồng cây dược liệu, chăn nuôi...".

Trên thực tế, qua kinh nghiệm giao khoán bảo vệ rừng tại Tuyên Quang cho thấy, các hộ đăng ký nhận đất, nhận rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, không đủ năng lực chuyên môn để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Ông Nông Văn Học, thôn Nà Lầu , xã Thượng Lâm.

Ông Nông Văn Học, thôn Nà Lầu , xã Thượng Lâm.

Ông Nông Văn Học, thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình chia sẻ: "Hiện nay, mọi người nhận bảo vệ rừng nhưng còn thiếu kinh nghiệm phát triển kinh tế từ rừng, rất cần tư vấn của các cấp các ngành".

Việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng phải đồng thời với việc giao, cho thuê, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nghị định 168 của Chính phủ quy định, việc giao rừng phải thực hiện đến từng hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo ông Tề Minh Giáp, Phó Giám đốc rừng phòng hộ Lâm Bình: "Giao khoán cho dân rừng phòng hộ như sổ đỏ thì cũng khó, vì các hộ dân muốn khai thác lâm sản trong rừng chưa được phép, nếu là rừng sản xuất thì được".

Cho đến nay tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa thực hiện được vì không có kinh phí để lập hồ sơ, giao nhận thực địa, kiểm đếm tài sản trên đất rừng. Được biết, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang rất lớn, nên việc điều tra quy hoạch trữ lượng, chất lượng rừng, kiểm đếm cần kinh phí ước tính trên 200 tỷ đồng.

Vùng lõi rừng phòng hộ Lâm Bình

Vùng lõi rừng phòng hộ Lâm Bình

Chính vì vậy mà việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay ở Tuyên Quang chưa tiến hành đồng thời với việc giao rừng, cho thuê rừng, đánh giá tài sản trên đất. Ngay như việc giao đất rừng sản xuất, sau hơn mười năm thực hiện, vẫn chưa tiến hành việc giao xác định tài sản là cây rừng trên đất, dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp không thể đầu tư, khai thác kinh tế rừng.

Ông Hà Thanh Kiên, Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, cho biết, là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh rất mong sự hỗ trợ kinh phí kiểm đếm rừng từ trung ương, để sớm có thể giao rừng cho người dân.

"Trong việc giao đất rừng tự nhiên thì cơ chế chính sách hưởng lợi từ rừng đã có quy định, những chưa được rõ ràng nên rất khó khăn trong việc giao rừng. Nên cần có quy định hưởng lợi cụ thể hơn để đảm bảo hài hòa kinh tế với bảo vệ rừng tự nhiên" - ông Kiên cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cần sớm hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất giúp cho rừng có chủ thực sự. Thời gian tới, nếu có được chính sách đồng bộ, quy định hưởng lợi rõ ràng, phục vụ cho việc giao đất, giao rừng, quy định về năng lực quản lý, sản xuất của chủ rừng thì bảo vệ, phát triển kinh tế rừng mới thực sự bền vững.

Mạnh Phương (VOV1)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.