11/11/2020 8:20 AM
Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đưa ra nhận định, các dự án mới trong ngành xi măng giai đoạn 2020-2030 sẽ hạn chế và có quy mô tập trung hơn nhiều giai đoạn trước đây.

Các dự án mới trong ngành xi măng giai đoạn 2020-2030 sẽ hạn chế và có quy mô tập trung hơn nhiều giai đoạn trước đây.

Trong báo cáo ngành xi măng mới nhất, Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) đưa ra nhận định, các dự án mới trong ngành xi măng giai đoạn 2020-2030 sẽ hạn chế và có quy mô tập trung hơn nhiều giai đoạn trước đây.

Cụ thể, dựa trên quy hoạch ngành xi măng Việt Nam đến năm 2030 được cập nhật tới thời điểm hiện tại.FPTS cho hay, trong giai đoạn 2020 – 2030, ngành xi măng sẽ có khoảng 17 dự án xi măng mới đi vào hoạt động.

"Chúng tôi cũng nhậnđịnh rằng rào cản gia nhập ngành ở mức cao với những yêu cầu chặt chẽ về vốn, thủ tục cấp phép dự án và quymô sản xuất, cũng như phải đầu tư thêm các công nghệ phụ trợ có chi phí cao sẽ giúp hạn chế các đối thủ mới gia nhập và ổn định lại cung cầu trong ngành xi măng Việt Nam", Báo cáo ngành xi măng của FPTS nêu rõ.

Do ngành xi măng hiện đang trong tình trạng dư thừa công suất so với nhu cầu trong nước nên Chính phủ đã có chủ trương hạn chế xây mới nhà máy, đặc biệt là các dự án không thuộc trong Quy hoạch từ trước.

Theo định hướng tập trung hóa ngành xi măng trong dài hạn, chính phủ sẽ ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành mở rộng công suất của mình.

Đồng thời, với quy hoạch ngành xi măng chỉ được phép xây dựng các nhà máy công suất từ 2 triệu tấn/năm trở lên thì một doanh nghiệp mới ước tính phải đầu tư dự án tối thiểu từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Và với yêu cầu vốn tự có phải đạt 20% vốn đầu tư dự án thì nguồn vốn tự có ước tính lên tới 600 - 800 tỷ đồng.

Thời gian qua, trước tình hình tăng trưởng nóng của ngành xi măng trong nước giai đoạn 2000 – 2010 và tình trạng dư thừacông suất diễn ra kể từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp lý để tăng cường kiểm soát các hoạt động đầu tư vào các dự án xi măng, thực hiện quản lý và lập quy hoạch cấp phép chi tiết đối với các dự án xi măng được đầu tư cũng như giới hạn tổng công suất xi măng được đầu tư trong mỗi giai đoạn.

Trong giai đoạn 2010 – 2019, Chính phủ đã chủ động loại bỏ 14/54 giấy phép đầu tư nhà máy xi măng mới (tổng công suất 8,7 triệu tấn/năm, ~8% công suất xi măng hiện tại) và giãn tiến độ đầu tư của 7/54 dự án sang giai đoạn 2020 - 2030 (tổng công suất 9,73 triệu tấn/năm, ~9% công suất xi măng hiện tại).

Đặc biệt từ năm 2014, Chính phủ đã dừng cấp bảo lãnh vay vốn cho các khoản vay nước ngoài và bổ sung hai điều kiện đầu tư quan trọng đối với các dự án mới là phải đầu tư nhà máy công suất tối thiểu 2 triệu tấn xi măng/năm và bắt buộc đầu tư các công nghệ và máy móc quan trắc môi trường và kiểm soát khí thải trong sản xuất. Do đó, các điều kiện đầu tư vào ngành xi măng dần trở nên khắt khe hơn và các dự án về sau bắt đầu có chọn lọc với quy mô lớn hơn.

Trong 10 năm gần nhất (2010 – 2019), ngành xi măng có xu hướng dư thừa công suất so với nhu cầu trong nước cùng với áp lực cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, tình hình cung – cầu xi măng chịu ảnh hưởng đáng kể từ các chính sách điều tiết trực tiếp và gián tiếp của chính phủ.

Đến năm 2019, tổng công suất của các nhà máy xi măng Việt Nam đạt 103 triệu tấn/năm, tiêu thụ đạt 98 triệu tấn và công suất huy động toàn ngành ở mức 95%. Tiêu thụ xi măng trong nước đạt 68 triệu tấn, chiếm 68% tổng tiêu thụ toàn ngành và xuất khẩu xi măng đóng góp 31 triệu tấn, chiếm 32% tổng tiêu thụ toàn ngành.

Thế Hải (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.