Câu chuyện của người đã từng bị nhấn chìm xuống đáy thị trường bất động sản hé lộ phần nào duyên nợ giữa chủ đầu tư và giới đầu cơ bất động sản.
Sau “chiến dịch” tái cơ cấu các dự án bất động sản CT1 Vân Canh Tower (Hoài Đức), AZ Lâm Viên Complex (Cầu Giấy), Bright City (Hoài Đức), AZ Định Công (Hoàng Mai), ông Bùi Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bất động sản AZ (AZLand) đã đồng ý trao đổi với phóng viên về những thông tin mà dư luận đồn đoán về cá nhân ông và các dự án của AZLand bấy lâu nay.
Mối duyên nhiều nợ
Bước chân vào thị trường bất động sản vào năm 2009 (từ vị trí của một người dạy học về công nghệ thông tin), khi người bạn thân rủ góp vốn vào đầu tư Dự án CT1 Vân Canh Tower. Lúc những cơn sốt đất tại Hà Nội trở nên dồn dập, Bùi Viết Sơn và các cổ đông của AZLand đã bị thuyết phục bởi hàng loạt dự án tại các quận Cầu Giấy, Hoài Đức, Hoàng Mai. Hầu hết các dự án mà AZLand làm chủ đầu tư hiện nay được mua lại từ các nhà đầu tư khác.
“Ở thời điểm đó, cứ có dự án là có tiền”, ông Sơn nói. Nhưng cũng chính sự nóng sốt quá mức của thị trường bất động sản đã làm hại các dự án của AZLand. Chỉ đến khi bình tĩnh ngồi ngẫm lại, ông Sơn mới ngấm câu “bạo phát thì bạo tàn” – âu cũng là quy luật.
Ở thời điểm 2009 - 2010, hàng loạt khách hàng đã tìm đến đổ tiền vào dự án của AZ Land. Dự án chưa đủ thủ tục mở bán, các nhà đầu cơ đã dồn dập đổ tới. Người xin góp vốn, người đặt chỗ để giành suất mua. Kẻ ít đăng ký 1 căn, người nhiều mua vài ba căn, thậm chí là vài sàn. Dự án này chưa xong, dự án khác đã tới. Ngày hôm nay bán giá này, ngay mai đã tăng lên giá khác… Chủ đầu tư bị cuốn đi theo cơn lốc của thị trường, ông Sơn nhớ lại.
Thế nhưng, không lâu sau đó, khi tín dụng bị siết chặt, thị trường chững lại, chính những người hôm nào là khách VIP, khách “ngoại giao”, những người mua căn hộ với số lượng lớn lại là những người quay sang làm khó chủ đầu tư đầu tiên. Người nhẹ nhàng thì dừng đóng tiền, bán cắt lỗ (bán giá thấp hơn chủ đầu tư), người nặng tay thì trả lại hợp đồng, đòi lại vốn góp; thậm chí, dẫn anh em, họ hàng đến vây chủ đầu tư đòi vốn góp.
Trong số khách hàng góp vốn đặt chỗ mua nhà, có nhiều người mua bằng tiền huy động từ người thân, vay ngân hàng với mục đích lướt sóng kiếm lời. Khi thị trường đổ dốc, việc đầu tư xây dựng bị đình trệ, ý định “lướt sóng” không thể thực hiện, nhiều khách hàng nói ông bội tín, lừa đảo. Nhiều khách VIP, khách mua căn hộ với số lượng lớn để đầu cơ sôi sục nhất trong việc gây áp lực, dằn mặt, dọa khởi tố chủ dự án.
Lối thoát từ cầu thực
Từ đầu năm 2014, với sự trợ giúp của bạn bè, đối tác, các nhà thầu… AZLand từng bước tháo gỡ khó khăn và triển khai xây dựng lại các dự án. Dự án CT1 Vân Canh Tower đang chuẩn bị cất nóc, AZ Lâm Viên Complex đã triển khai đến tầng 14, Bright City đã làm xong nhà mẫu…
Bài học lớn nhất mà ông Sơn rút ra được chính là đầu tư, kinh doanh dự án không thể dựa vào những nhà đầu cơ mà phải dựa vào nguồn cầu thực. Với nhu cầu thực sự về nhà ở, đây là những khách hàng trung thành và có tài chính lành mạnh. Dĩ nhiên, nhu cầu cũng rất thực tế với căn hộ diện tích trung bình, thiết kế hợp lý, giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn hộ.
Với các sàn giao dịch bất động sản hợp tác bán căn hộ do AZLand làm chủ đầu tư, ông Sơn luôn nhắc nhân viên theo dõi danh sách khách hàng với phương châm “tránh xa những khách hàng mua vài ba căn hay cả sàn một lúc và ưu tiên những người có nhu cầu ở thực, giá bán có thể thấp hơn, lãi ít đi nhưng bền”.
*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.