Vụ một bé gái rơi từ tầng 15, chung cư Phú Mỹ Thuận (huyện Nhà Bè, TP.HCM) như hồi chuông cảnh báo về sự an toàn trong các chung cư. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, hiện nay thiết kế an toàn xây dựng của các chung cư có cũng như không và theo thừa nhận của một số chủ đầu tư, hầu hết họ đều xây dựng theo kiểu mạnh ai nấy làm…
Tại chung cư Phú Mỹ Thuận, chỉ lác đác vài căn hộ có cửa sổ lắp song sắt bảo vệ do người dân tự trang bị thêm.

Mỗi dự án thiết kế mỗi kiểu

Sau khi nhìn thấy cảnh tượng con nhà hàng xóm bị rơi, anh Nguyễn Hoài Bắc, ngụ tại chung cư Phú Mỹ Thuận ngay lập tức xin nghỉ việc một ngày để cho lắp đặt ngay song cửa sổ cho căn nhà mình. Anh Bắc cho biết từ ngày dọn về sống tại chung cư Mỹ Thuận, một phần vì bận công việc, một phần vì chủ quan, nên anh không mấy để ý đến sự nguy hiểm từ bancông cửa sổ của nhà mình. Không chỉ có anh, mà hầu như các hộ dân khác sống tại chung cư cũng đều giật mình và họ cũng đang cho lắp đặt các song chắn tại cửa sổ.

Theo quan sát của chúng tôi, chung cư Phú Mỹ Thuận gồm bốn block, cao từ 18 – 20 tầng với 578 căn hộ. Tất cả cửa sổ của các căn hộ chung cư đều không có chấn song hay vách kim loại bảo vệ, ngoài lớp cửa kính dạng lùa. Ở đây cũng có lác đác vài căn hộ có cửa sổ lắp song sắt bảo vệ, tuy nhiên đây là do người dân tự trang bị thêm. Cửa sổ của căn hộ, nơi xảy ra vụ một bé gái rơi từ tầng 15, chỉ có thiết kế cửa kính kéo ngang.

Khảo sát một vòng trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy, cửa sổ trên tầng cao của các dự án chung cư hiện nay được thiết kế “mỗi nơi mỗi vẽ”. Có chung cư thì thiết kế cửa lùa như của Phú Mỹ Thuận, có chung cư thiết kế theo kiểu mở 45 độ như chung cư của Hoàng Anh Gia Lai. Ông Lê Hùng, giám đốc công ty kinh doanh và phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai, cho biết các cửa sổ căn hộ của Hoàng Anh Gia Lai đều được thiết kế theo dạng bản lề chữ T, mở bung tối đa khoảng 45 độ. Các khung kính đều là kính cường lực, nên bảo đảm sự an toàn khi có mưa gió. Theo ông Hùng, thiết kế nêu trên đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên “là do chủ đầu tư tự thiết kế, chứ không có cơ quan nào xét duyệt thông qua”.

Quy định có cũng như không

Có thể kiện ra toà yêu cầu bồi thường thiệt hại

Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM, cho biết hiện đã có những quy chuẩn rõ ràng về an toàn trong xây dựng. Khi người dân bỏ tiền mua nhà tại những dự án này tức là người dân cũng đã bỏ chi phí để mua sự an toàn cho chính mình và gia đình mình. Do vậy, khi xảy ra những sự cố thương tâm, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước khi để cho những dự án thiết kế sai quy định “qua cửa”. Trong trường hợp đáng tiếc xảy ra, khi chứng minh được thiệt hại mà lỗi thuộc về chủ đầu tư hay cơ quan nhà nước, người dân có thể kiện ra toà để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

TS Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết những quy định trong thiết kế, xây dựng bancông hay lôgia đảm bảo an toàn đã được quy định khá chi tiết. Thế nhưng, người thiết kế, người thi công công trình có thực hiện đúng hay không mới là điều quan trọng. Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do bộ Xây dựng ban hành, thì lan can, bancông của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ chín tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Các toà nhà cao từ chín tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, bancông, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở gara ôtô.

Đối với công trình có trẻ em dưới năm tuổi sử dụng, thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu có đường kính 100mm. Với lan can hoặc lôgia được sử dụng bằng vật liệu kính, thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu có đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Bên cạnh đó, quy định cũng nói rõ: nhà từ tầng 6 trở lên không được thiết kế bancông, chỉ được thiết kế lôgia lan can, lôgia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,3m.

Quy định thì như vậy, nhưng theo kỹ sư Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, hiện nay tại TP.HCM nhiều khu chung cư, nhà cao tầng từ tầng thứ 10 trở lên vẫn có bancông, thậm chí 30 – 40 tầng vẫn có bancông. Nguyên nhân của tình trạng này là nếu xây lôgia, chủ đầu tư không tiết kiệm được diện tích. Theo ông Đực, việc sinh sống tại các toà nhà chung cư còn khá mới mẻ đối với nhiều người dân và có người chưa được trang bị kiến thức đề phòng những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra đối với chính họ và con trẻ. Do đó, ngoài việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần áp dụng các quy định về đảm bảo an toàn tại các toà nhà chung cư. Nhiều người vì quá lo sợ đã làm lồng sắt bao trùm cả cửa sổ, khoảng trống nhưng điều đó lại không phù hợp với quy định phòng cháy chữa cháy.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc công ty TNHH xây dựng Lê Thành, cho rằng những văn bản quy định về xây dựng nhà cao tầng và cả việc khắc phục những lỗi xảy ra trong xây dựng nhà cao tầng đã được ban hành. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các công trình xây dựng. Mặt khác, hơn ai hết, bản thân mỗi gia đình sống ở chung cư cao tầng phải cẩn trọng hơn trong việc trông nom, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ.

Theo Tùng Quang (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.