11/09/2013 7:45 AM
Do chưa có quy hoạch, vướng quy hoạch, không thể làm thủ tục hợp pháp, hợp lệ nên người dân đành xây đại, xây liều để có chỗ ở.

Vừa qua, TP.HCM đã tổ chức tháo dỡ nhiều trường hợp xây dựng nhà ở không phép tại các quận, huyện như Gò Vấp, Bình Chánh... nhằm thể hiện quyết tâm chấn chỉnh trật tự xây dựng trên địa bàn. Sự kiên quyết này là đúng nhưng từ đó cho thấy đang có lượng không nhỏ người dân có nhu cầu về chỗ ở. Để thỏa mãn nhu cầu này trong điều kiện tiền bạc có hạn, họ chấp nhận đi lại xa xôi, chấp nhận rủi ro khi mua hoặc xây nhà không phép trên đất nông nghiệp trong khu vực không đủ điều kiện về hạ tầng.

Việc cưỡng chế nhà không phép làm thiệt hại tiền của rất lớn của người dân và cũng gây ra nhiều mất mát cho chính quyền. Đâu là giải pháp để điệp khúc “xây - đập, đập - xây” không lặp lại?

Ngày 9-9, chúng tôi trở lại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh và chứng kiến hơn 100 căn nhà không phép giờ chỉ còn trơ móng. Sau khi bị cưỡng chế, chủ các căn nhà này đã tản đi đâu không ai biết. Dọc theo những con đường đất lầy lội dẫn vào các ấp 2, 2A, 3, 5, 5A là những thửa ruộng khô cằn, bỏ hoang xen kẽ trong các khu dân cư.

Chưa có quy hoạch

Bà Đặng Thị Đê, Bí thư Chi bộ ấp 2 (nơi có 30 căn nhà xây không phép), cho biết: Từ sau năm 2003, người dân ở đây không còn trồng lúa, hoa màu hay chăn nuôi nhiều như trước nữa. Lý do là tình trạng san lấp tràn lan dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy gây ngập úng, thêm vào đó là đất bị nhiễm phèn. “Hiện chỉ còn một số ít hộ dân trồng lúa để giữ đất khỏi hoang hóa chứ không ai sống được bằng nghề nông” - bà Đê chia sẻ.

Ông Vũ Văn Nhã bên bốn căn nhà bị cưỡng chế ngày 12-8 tại ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp.
Ảnh: M.QUÝ

Về tình trạng nhà xây không phép trên địa bàn ấp 2, bà Đê trầm ngâm: Chung quy cũng do người dân quá bức xúc về nhà ở, trong khi đến thời điểm này quy hoạch 1/2.000 cũng chưa có. Mọi người đều không biết chỗ nào được xây, chỗ nào không. Chính quyền địa phương và người dân đều mong muốn quy hoạch 1/2.000 sớm được công bố rộng rãi để mọi người được biết và thi hành đúng pháp luật.

Anh Lê Ngọc Khanh ở tổ 2, ấp 2A, có nhà bị tháo dỡ trong ngày 13-7, đặt vấn đề: “Gần như khu vực này không ai còn làm nông nghiệp. Sau khi bị tháo dỡ nhà, nhiều người đành bỏ hoang đất trong khi gia đình không có chỗ ở. Không biết sắp tới Nhà nước tính sao?”.

Ông Phan Văn Năm, ấp 2A, cho rằng Nhà nước cần phải xem xét thực tế của địa phương để lập quy hoạch cho phù hợp. Với những khu vực đô thị hóa cao, không còn phù hợp để làm nông nghiệp nữa thì nên cho phép dân được chuyển sang đất ở. Khi đó Nhà nước vừa thu thêm được tiền thuế để đầu tư cho các công trình phúc lợi, vừa giải quyết được nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân.

Và quy hoạch “treo”

Khu vực ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp cũng là địa bàn nóng về nhà không phép. Sau khi hàng chục căn bị địa phương tháo dỡ, người dân đã nhiều lần đến UBND phường 15 xin gia hạn cưỡng chế vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Theo quy hoạch chung, quận Gò Vấp được phê duyệt năm 1998, ấp Doi được quy hoạch là đất cây xanh. Đến năm 2007, khu vực này được điều chỉnh quy hoạch là khu hỗn hợp gồm đất ở, đất cây xanh, còn lại là công trình công cộng và đất giao thông. Tính ra, ấp Doi được quy hoạch từ cách đây 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Có đất nhưng không được xây dựng và cũng không thể sản xuất nông nghiệp, người dân chỉ còn cách liều xây nhà để ở.

Ông Vũ Văn Nhã, một trong các hộ dân xây nhà không phép tại ấp Doi, cho biết ông mua đất ở đây từ năm 1998 để trồng rau muống. “Tới năm 2012 thì nguồn nước bị ô nhiễm, tôi không thể trồng rau muống nữa nhưng cũng không làm gì được với mảnh đất này do vướng quy hoạch. Đầu năm nay, thấy người ta xây nhà nhiều, tôi chạy vay mượn khắp nơi để xây nhà cho bốn đứa con với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Đến giờ nợ chưa trả xong mà nhà đã bị đập” - ông Nhã xót xa.

Ngày 7-9, UBND quận Gò Vấp tổ chức lấy ý kiến hơn 100 người dân ấp Doi về quy hoạch 1/500 của khu vực này. Nhiều ý kiến cho rằng diện tích dành cho đất ở là quá ít trong khi người dân đã sinh sống ổn định, lâu dài. Do đó, quy hoạch nên giảm bớt đất công viên cây xanh, chuyển thành đất ở nhằm tạo điều kiện cho dân sinh sống.

“Điều quan trọng nhất mà người dân ấp Doi mong muốn là TP cần công bố thời gian thực hiện quy hoạch. Nếu qua thời gian này mà không thực hiện thì phải xóa quy hoạch để dân đỡ khổ” - nhiều người bày tỏ.

Huyện Bình Chánh đã thấy được bất cập trong việc sử dụng đất nông nghiệp tại một số xã đô thị hóa cao như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (xã Bình Hưng và Tân Kiên đã thuộc vào khu đô thị mới Nam TP - PV) và đã tiến hành rà soát, đánh giá xong. Huyện có phương án mở rộng các điểm dân cư nhưng vẫn giữ mật độ dân cư thấp vì chưa đủ hạ tầng để đáp ứng cho lượng dân số đông.

Đối với những khu vực đất nông nghiệp không còn phù hợp để sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ đề xuất chuyển đổi thành đất ở để tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở.

Ông ĐOÀN NHẬT, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

Việt Hoa - Minh Quý (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.