30/10/2012 11:28 AM
Thái độ hào hứng với hiệu ứng của chính sách mới chống đầu cơ vàng nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho tâm trạng bất an của người tiêu dùng và nhà kinh doanh vàng.

Trong hai năm, một nghị định và nhiều văn bản từ thông tư tới quyết định được ban hành để quản lý sản xuất - kinh doanh vàng miếng. Cuối cùng chỉ còn một thương hiệu vàng miếng SJC làm mưa làm gió trên thị trường.

Tháng 8-2011, cơn sốt giá vàng chưa từng có diễn ra. Giá vàng thế giới tăng vọt. Giá vàng trong nước có lúc cao hơn giá thế giới từ 800.000 đến 2 triệu đồng một lượng dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần cấp giấy phép nhập khẩu vàng.

Gom về một nhóm

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8-2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận giá vàng diễn biến phức tạp.

Hai tháng sau, NHNN ban hành Thông tư 32 (6-10-2011) cho phép một số ngân hàng được chuyển vàng tồn trong kho thành tiền mặt và được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài. Chỉ còn năm ngân hàng lớn như ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Đông Á… (gọi là nhóm G5) và SJC được phép huy động và bán vàng bình ổn ra thị trường. Thậm chí NHNN còn linh hoạt cho phép nhóm G5 được bán 40%/tổng lượng vàng huy động được, 60% còn lại được cho vay ra thị trường.

Cũng trong ngày ban hành Thông tư 32, NHNN và nhóm G5+1 (có SJC) đã tập trung tại “đại bản doanh” NHNN thống nhất bán vàng cùng mức giá để can thiệp giá vàng trong nước. Năm tấn vàng được tung ra để dập tắt đầu cơ. Giá vàng xuống ngay. Báo chí hưởng ứng, gọi đây là chiến dịch “vô tiền khoáng hậu”, triệt được đầu cơ, chống buôn lậu.

Quản chặt sản xuất vàng miếng

Đến tháng 4-2012, Nghị định 24 (3-4-2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng được ban hành. Nghị định khẳng định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, việc kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép…

Với nghị định này, thống đốc NHNN khẳng định: Việc Nhà nước độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng sẽ là công cụ để quản lý tốt hơn thị trường vàng theo nguyên tắc: Đảm bảo bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân về việc mua, bán vàng miếng, gửi ở những địa chỉ an toàn và có khả năng sinh lãi.

Đã có nhiều kỳ vọng từ Nhà nước đến dư luận và truyền thông. Khi ấy hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Nghị định 24 có tác dụng tích cực, thị trường vàng sẽ đi vào nề nếp hơn, hạn chế được tình trạng trốn thuế, buôn lậu… Thực tế, từ khi NHNN tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng thì hiện tượng nhập lậu vàng giảm mạnh; tình trạng gom giữ USD chợ đen để mua vàng vào gần như không còn. Việc sản xuất vàng miếng đã được kiểm soát.

Hiệu ứng càng gia tăng khi Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đăng đàn cho biết với sự ra đời của Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 24 quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh vàng miếng sẽ kéo giá vàng trong nước theo sát giá vàng thế giới, mức chênh nhau chỉ khoảng 400.000 đồng/lượng.

Bất lợi cho người giữ vàng

Thật ra tại thời điểm mới ban hành Nghị định 24, đã có ý kiến băn khoăn về việc đảm bảo công bằng giữa các thương hiệu vàng miếng, khi thương hiệu SJC được chọn là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước. Tuy vậy, lãnh đạo NHNN đã kịp thời thông tin rằng Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Thậm chí về quá trình chuyển đổi vàng miếng, người dân rất dễ dàng đi dập vàng từ các hiệu khác sang SJC với mức phí hợp lý.

Người dân thì sao? Bất lợi đầu tiên là giá giao dịch vàng “phi” SJC thấp hơn giá vàng SJC 1-2 triệu đồng/lượng! Đơn cử là chiều 5-4, giá vàng Bảo Tín Minh Châu bán ra 41,8 triệu đồng/lượng, mua vào còn 41,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1,8 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết của Công ty SJC. Giá vàng miếng AAA của Agribank bán ra thấp hơn vàng SJC 1,6 triệu đồng/lượng.

Nhà kinh doanh cũng bị thiệt

Tháng 8-2012, NHNN ban hành Quyết định 1623 về tổ chức quản lý và sản xuất vàng miếng. Theo quyết định này, muốn chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh phải gửi văn bản đề nghị NHNN cho phép. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, NHNN có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận chuyển đổi. Nếu NHNN cho phép chuyển thì các DN sẽ ký kết hợp đồng gia công với SJC.

Theo NHNN, quyết định này tạo cơ sở pháp lý để NHNN tổ chức sản xuất vàng miếng nhằm bổ sung nguồn cung vàng miếng, can thiệp thị trường khi cần thiết. Đây hẳn là yếu tố tích cực của quyết định.

Tuy vậy, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu từng cho rằng rủi ro tiềm ẩn trong văn bản này là việc xin - cho trong cấp số lượng giữa DN “phi” SJC và SJC. “Điều này tạo ra sự không công bằng trên thị trường. Thậm chí nếu kiểm soát không tốt, giá chênh lệch giữa vàng phi SJC và SJC sau khi chuyển đổi sẽ tái diễn” - ông Hiếu cảnh báo.

Nguyên Thống đốc NHNN - TS Cao Sỹ Kiêm cũng lo ngại dễ xảy ra trường hợp các DN cầu cạnh để xin chỉ tiêu, kế hoạch từ cơ quan quản lý và “Như vậy là quay lại với vòng xin-cho giữa DN - đơn vị gia công - cơ quan quản lý” - ông nói.

Huy động vàng cũng… lắm chuyện!

Thông tư 22/2010 của NHNN không cho ngân hàng chuyển đổi vàng huy động trong dân ra thành tiền đồng vì gây ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế. Dù siết nhưng NHNN vẫn để ngỏ đối với số vàng mà ngân hàng đã huy động được đổi thành tiền. Sáu tháng sau, bằng Thông tư 11/2011, NHNN cấm hẳn tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng. Thông tư này còn ấn định thời gian cuối cùng thực hiện lệnh cấm vào ngày 1-5-2012.

Tháng 8-2012, NHNN ban hành Thông tư 24 cho biết sẽ xem xét, cho phép việc vay và cho vay vốn bằng vàng giữa một số ngân hàng trong trường hợp đặc biệt. Sau đó, NHNN gia hạn việc chấm dứt huy động vàng và thời hạn cuối cùng được ấn định là ngày 25-11-2012. Mới đây lại có thông tin NHNN sẽ gia hạn việc huy động đến 30-6-2013.

Theo Bùi Nhơn - Dũng Nguyên (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.