Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất VLXD rơi vào cảnh bi đát như trên là vì khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt đầu tư, cũng như sự trầm lắng của thị trường bất động sản.
Gần như tất cả doanh nghiệp VLXD từ xi măng, đến sắt thép, gạch, kính… đều có hàng tồn kho lớn.
Ông Đào Ngọc Bình, Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, chưa bao giờ tiêu thụ xi măng lại khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, Công ty không thể hạ giá quá thấp để bán hàng bằng mọi giá vì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Theo ông Bình, để đảm bảo thu nhập cho người lao động, Công ty phải thực hiện được kế hoạch lợi nhuận 415 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ này quá khó khăn. Ông Bình cho biết, để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động, Công ty chỉ bán xi măng thành phẩm, chứ không bán clinker, vì thế lượng clinker bị tồn rất lớn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, thời gian gần đây, nhất là từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, thị trường tiêu thụ đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. “Sắp tới, Công ty sẽ cho ra thị trường sản phẩm xây trát cao cấp - MC25 Hoàng Thạch, hy vọng lượng tiêu thụ sản phẩm Vicem Hoàng Thạch sẽ tăng lên”, ông Bình tự tin.
Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tháng 5, tình hình tiêu thụ VLXD đã khá hơn, đặc biệt là tiêu thụ xi măng đã tăng trở lại. Tuần đầu tiên của tháng 6, thị trường đã ghi nhận dấu hiệu tích cực về vấn đề tiêu thụ.
Theo ông Tới, nguyên nhân là nhờ chính sách nới lỏng tín dụng với 4 đối tượng bất động sản, cũng như việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nên các doanh nghiệp sản xuất VLXD được hưởng lợi.
Tuy sản lượng tiêu thụ có những chuyển biến tích cực, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn cho tạm dừng hoặc giảm công suất vận hành dây chuyền như Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch tạm dừng hoạt động 1 dây chuyền khoảng 3 tháng, Nhà máy Cán thép Sông Hồng, Nhà máy Gạch ốp lát Hà Nội, Nhà máy Granit Tiên Sơn dừng khoảng 2 tháng, Nhà máy Gạch men Thăng Long dừng 45 ngày, Nhà máy Kính Đáp cầu cũng phải dừng 1 dây chuyền công suất 8 triệu m2/năm, các nhà máy Xi măng Áng Sơn, Xi măng Thanh Liêm cũng phải dừng sản xuất...
Theo các doanh nghiệp, việc dừng dây chuyền sản xuất vì nhiều lý do như để sửa chữa định kỳ, bảo dưỡng (Hoàng Thạch), nhưng trong đó cũng có nhiều doanh nghiệp cho dừng dây chuyền vì “càng sản xuất, càng lỗ” như Xi măng Thanh Liêm, Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Thăng Long, Xi măng Hạ Long… Như vậy, vấn đề thị trường tiêu thụ yếu không phải là “tử huyệt” của các doanh nghiệp sản xuất VLXD.
Theo ông Tới, nguồn vốn của đa số dự án sản xuất VLXD là vốn vay, vốn chủ sở hữu quá mỏng, nên mối nguy của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất xi măng là vấn đề chi phí tài chính lớn, trượt giá ngoại tệ, lãi suất… còn tồn kho của VLXD chưa hẳn đã là nguy cơ hàng đầu. Như vậy, xem ra, mất khả năng cân đối tài chính mới là “tử huyệt” của các doanh nghiệp.
Trên lĩnh vực sản xuất gạch, Viglacera Hạ Long, được xem như cánh chim đầu đàn của “họ” Viglacera cũng đang gặp khó khăn. Nếu như năm 2011, Công ty lãi gần 70 tỷ đồng, thì quý I/2012, Công ty lỗ đến gần 84 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Viglacera Hạ Long đảo ngược 180 độ trong thời gian ngắn khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, trong "họ" Viglacera, không chỉ một mình Viglacera Hạ Long gặp khó. Theo báo cáo tài chính quý I/2012, có đến 6/8 đơn vị thuộc họ Viglacera báo lỗ với tổng mức lỗ là 143,25 tỷ đồng.
Theo giải trình của các công ty, lỗ là do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng so với cùng kỳ, trong khi giá bán sản phẩm đầu ra sụt giảm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thấp, trong khi nguồn cung lớn khiến lượng tồn kho tăng cao.
Xem ra, khó khăn trên không phải chỉ riêng “họ” Viglacera gặp phải, mà là khó khăn chung mà hầu hết đơn vị sản xuất VLXD đều đang phải đối mặt.