Giá vàng, USD tạm thời hạ nhiệt sau quyết định cho nhập khẩu vàng của NHNN, nhưng nỗi lo lớn hơn với giới đầu tư CK là lãi suất ngân hàng tăng vọt.
Cảm giác sợ hãi trong quyết định giao dịch gần như đang lấn át mọi góc nhìn của NĐT bởi ngoài dòng tiền vào thị trường bị thắt chặt, hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết vốn có tỷ trọng lớn dựa vào vốn vay ngân hàng sẽ chật vật hơn nhiều.

Mặt bằng lãi suất huy động được ghi nhận trên thị trường đã lên đến 14-15%/năm, còn lãi suất cho vay lên 18-19%/năm.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng cổ phần đã hài hước gọi thượng đế của họ là khách hàng… kangoroo vì sau thời hạn gửi thường là tháng một, ngân hàng nào lãi suất cao hơn, khuyến mại hấp dẫn hơn, khách hàng sẵn sàng tìm đến.

Giờ chỉ cần gửi từ 200 triệu đồng trở lên, khách hàng có quyền yêu cầu ngân hàng đến thu tiền và làm thủ tục trả sổ tiết kiệm tại địa chỉ theo yêu cầu. Tăng lãi suất cao như vậy nhưng nguồn vốn vào ngân hàng dường như eo hẹp trước các kênh vàng, ngoại tệ đang âm ỉ "sốt" nên một cuộc đua lãi suất huy động có thể tái diễn.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã có lúc tỏ ra mệt mỏi khi bị chỉ trích về việc Hiệp hội đồng thuận lãi suất dù điều đó là có lợi cho nền kinh tế. Bà Hương nói "Giờ Hiệp hội cũng phải "buông tay" theo cung cầu trên thị trường".

Lãi suất cho vay vọt lên tới gần 20%, các DN sẽ chịu trận đầu tiên. Ở Việt Nam, rất ít DN kinh doanh mà không cần vốn vay ngân hàng. Theo một tính toán gần đây của Bộ phận phân tích CTCK Bảo Việt, lợi nhuận quý IV của DN sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi chi phí vốn vay cao, đó là dựa trên giả định lãi suất đầu ra chỉ ở mức 15-16%.

Theo bảng tính toán, rất nhiều DN có tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu lớn trên 60% như HAG, CII, MPC, POM… Bên cạnh chi phí vốn vay cao, việc các ngân hàng huy động vốn khó khăn, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm vượt 20%, khiến doanh nghiệp lo ngại, cửa ngân hàng đóng chặt trong những tháng cuối năm.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết cho biết, tình cảnh này lại giống như cuối năm 2008, đủ thứ chi tiêu trông vào cuối năm, doanh nghiệp cần nhiều vốn lưu động nhưng ngân hàng không giải ngân các khoản vay mới, doanh nghiệp buộc phải hoạt động cầm chừng.

Theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, mặt bằng lãi suất vốn vay DN có thể xoay xở được là 15-16%, lãi suất huy động ngân hàng có thể lưu thông bình thường là 12-13%. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng tích cực các công cụ thị trường, các biện pháp kỹ thuật can thiệp.

Rút kinh nghiệm từ diễn biến giá vàng vừa qua, theo ý kiến của một số thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, NHNN nên can thiệp ngay bằng cách cung tiền ra thị trường mở để bình ổn lãi suất liên ngân hàng. Nếu để lâu sẽ dẫn đến chạy đua lãi suất. NHNN cũng nên cho các ngân hàng cần vốn thế chấp số vàng huy động cho Ngân hàng Nhà nước để lấy tiền đồng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, mục tiêu thắt chặt tiền tệ ban đầu để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên thực tế đã đi quá xa so với mục tiêu ban đầu, do vậy NHNN cần có động thái can thiệp ngay nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, phản ứng từ Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này chưa rõ.

Lãi suất tiền đồng đang vượt quá tầm kiểm soát. Trong khi đó, vẫn còn sự biến động không lường trước được của thị trường tài chính thế giới. Giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng thì liệu thị trường vàng Việt Nam có thể ổn định?

Bên cạnh đó, ẩn số tỷ giá vẫn là câu hỏi treo lơ lửng vì DN chưa rõ thông điệp tỷ giá có thể cầm cự đến Tết dương lịch hay Tết âm và không có thông tin về lượng ngoại tệ ngân hàng cung ứng ra thị trường trong những ngày qua là bao nhiêu. "Thông điệp về chính sách không rõ ràng khiến DN chỉ có thể tính ngắn hạn", Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cho biết.

Với những diễn biến như trên, mỗi lần TTCK bật tăng trong thời điểm này, phần lớn nhà đầu tư vẫn thấy thiếu yếu tố bền vững. Khối lượng giao dịch giảm sút và duy trì ở mức thấp. Mọi phân tích kỹ thuật đều là vô nghĩa bởi điều mà thị trường thật sự cần hiện nay là các giải pháp đồng bộ giải quyết được các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế như kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá… cho dài hạn.

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland