Ông Nghĩa cho rằng phải tăng dự trữ bắt buộc để điều tiết vốn sang ngân hàng nhỏ, nhắm giải quyết vấn đề thanh khoản. Hiện nay các NH lớn không cho NH nhỏ vay vì không có tài sản cầm cố.
TS Lê Xuân Nghĩa: Cần tăng dự trữ bắt buộc để điều tiết vốn cho ngân hàng nhỏ

Lộ trình của NHNN đưa ra trong thời gian tới là giải quyết những vấn đề thanh khoản, tái cơ cấu ngân hàng, tiến tới bỏ trần lãi suất là khá hợp lý. Đó là khẳng định của TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia với phóng viên Thời báo Ngân hàng. (Quang Cảnh thực hiện).

Thưa ông, sự chênh lệch giữa các NHTM lớn và nhỏ hiện nay là khá lớn, đây có phải là nguyên nhân buộc phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?


Đương nhiên NHTM nhỏ thì rủi ro cao hơn và khách hàng của họ cũng có chất lượng khác hơn NHTM lớn. NHTM nhỏ thường phải huy động lãi suất cao và cho vay lãi suất cao và khách hàng là doanh nghiệp (DN) nhỏ.


Trong khi đó, NHTM lớn thường hướng tới đối tượng DN lớn với mức vay hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy, cũng có phân khúc thị trường riêng để cho từng NHTM dựa vào đó để sống.


Ở nước ngoài cũng vậy, chẳng hạn ở Mỹ có khoảng 19 ngân hàng lớn và trên 6.000 ngân hàng nhỏ nhưng vẫn hoạt động bình thường. Vấn đề quan trọng là NHTW của Mỹ có công cụ cực mạnh là dự trữ bắt buộc.


Ở Mỹ, Luật họ quy định dự trữ bắt buộc của ngân hàng thấp nhất 7%, cao nhất 20% nhưng họ đang áp dụng 10%, cao gấp đôi so với Việt Nam hiện nay. NHTM huy động được bao nhiêu không biết, nhưng cứ "nhốt" 10% dự trữ bắt buộc. Với điều kiện này, khi ngân hàng nhỏ của họ bị thiếu, không đủ dự trữ bắt buộc phải lên NHTW vay. Nhưng NHTW chỉ cho vay đến 3 đêm là cùng, sau đó, ngân hàng phải vay liên ngân hàng.


Như vậy, bất cứ một ngân hàng to hay nhỏ nào cũng đều có quan hệ vay mượn với NHTW. Với quan hệ tín dụng đó, NHTW sẽ biết được ngân hàng nào mạnh hay yếu. Ở Việt Nam chưa làm được như vậy nên khó quản lý dẫn tới câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.


Ông từng đưa ra quan điểm, trong quý II/2012 nên xem xét giảm lãi suất?


Lạm phát bắt đầu tăng chậm từ tháng 7/2011, nếu tính từ thời điểm đó đến tháng 7/2012 lạm phát kỳ vọng một năm chỉ khoảng 7-8%. Thế nhưng lãi suất không giảm xuống được. Ở đây có vấn đề thanh khoản. Chừng nào thanh khoản của ngân hàng còn khó khăn thì lãi suất không thể giảm xuống được, mặc dù lạm phát đã tăng chậm rồi.


Khi thanh khoản ổn định các NHTM không có nhu cầu huy động vốn bằng mọi giá để bù đắp thanh khoản nữa, cùng với lạm phát xuống thấp, niềm tin của người dân vào ổn định vĩ mô thì lãi suất sẽ tự động giảm.


Chừng nào chưa hội tụ được mấy yếu tố đó thì lãi suất chưa thể hạ được. Nhưng cũng không loại trừ độ trễ. Ví dụ, ở Châu Mỹ La tinh có những nước lạm phát xuống thấp rồi, khủng hoảng qua rồi, nhưng hai năm sau lãi suất mới hạ.


NHNN vừa đưa ra lộ trình, trước mắt là giải quyết vấn đề thanh khoản, rồi tập trung tái cơ cấu ngân hàng, tiến tới bỏ trần lãi suất?


Đưa ra lộ trình như vậy là hoàn toàn chính xác. Tức là, bước một giải quyết thanh khoản. Bước hai, mới xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng. Bước ba mới là tái cấu trúc, tổ chức, hoạt động, hiện đại hóa…


Như vậy, giải quyết vấn đề thanh khoản, hiện nay phải được đặt lên hàng đầu?


Phải có đối sách về vấn đề thanh khoản, và coi đây là vấn đề kinh tế vĩ mô lớn nhất và quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2012.


Xác định "cái chốt" của kinh tế năm 2012 là ở chỗ này. Nhưng giải quyết vấn đề thanh khoản bằng cách nào.


Biện pháp số một và cấp bách nhất cần phải làm là bơm tiền để giải quyết thanh khoản về ngắn hạn.


Thứ hai, phải tăng dự trữ bắt buộc với lãi suất dự trữ bắt buộc chấp nhận được để điều tiết vốn từ NHTM lớn sang NHTM nhỏ. Vì hiện nay các ngân hàng lớn không cho các ngân hàng nhỏ vay do không có tài sản cầm cố, buộc các ngân hàng nhỏ phải đẩy lãi suất lên. Vì vậy NHTW phải đứng ra như là môi giới tiền tệ trong hệ thống ngân hàng.


Thứ ba, với một số NHTM nắm lượng vàng lớn. Cần cho họ kinh doanh vàng tài khoản, cụ thể nên cho phép NHTM xuất khẩu vàng tài khoản và chỉ cần một lượng nhỏ là có tiền rồi. Số lượng tiền này cũng khoảng chừng 5-7 tỷ USD và có thể giải quyết được khó khăn thanh khoản tạm thời cho các NHTM. Sau đó, khi thanh khoản bắt đầu có tính ổn định thì mới bắt đầu tính hạ lãi suất, bỏ trần lãi suất.


Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.