Bà Michele We cho rằng, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 mới đây, bà Michele We, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng, cho rằng các thách thức của năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam đến từ thế giới với các cú sốc địa chính trị và kinh tế, lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu và thắt chặt tiền tệ, các biến động khác như xung đột Ukraina-Nga.
Bà Michele We cho rằng, tại Việt Nam, áp lực lạm phát và tỉ giá tăng cao; tác động từ các biến động trên thị trường tài chính và bất động sản ảnh hưởng tới chất lượng tài sản, thanh khoản, nhu cầu tín dụng so với rủi ro và kiểm soát tỉ lệ an toàn ngân hàng của ngân hàng.
Đối với kế hoạch chuyển đổi số và cam kết bền vững của Việt Nam, bà Michele We cho rằng sẽ cần đến định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc này cũng cần sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và các cam kết tài trợ tài chính bền vững; xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội với các nội dung môi trường xanh được lồng ghép trong quy trình thẩm định tín dụng và quy trình - sổ tay quản lý/kiểm soát rủi ro ESG; huy động vốn và nguồn lực cho phát triển bền vững tại Việt Nam.
Để thực hiện những mục tiêu này, Nhóm công tác Ngân hàng khuyến nghị Việt Nam cần lộ trình nhanh chóng để áp dụng năng lượng xanh và khuôn khổ tài chính xanh phù hợp cho các dự án có khả năng vay vốn ngân hàng.
Chẳng hạn như phát triển các công cụ tài chính chuyển tiếp, chuẩn bị cho báo cáo môi trường - quản trị - xã hội (ESG); bắt đầu chuyển đổi danh mục đầu tư, các yếu tố trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính, hỗ trợ tài trợ chuyển đổi với một số khuyến nghị như hướng dẫn chi tiết hơn về định nghĩa xanh, tiêu chí đánh giá - tiêu chuẩn báo cáo, phát triển thị trường trái phiếu xanh; đòn bẩy về tài chính hỗn hợp.
Điều này có nghĩa Quy hoạch Điện VIII cần cung cấp lộ trình rõ ràng của các dự án, một chính sách cụ thể về đảm bảo tỷ giá hối đoái, khả năng tài trợ năng lượng nhiều hơn đáng kể và hợp đồng mua bán điện đạt tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng.
Đối với lĩnh vực bất động sản/thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Nhóm công tác ngân hàng cho rằng các dấu hiệu suy yếu trong tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đặt ra một thách thức đối với các doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn và có thể dẫn đến biến động hệ thống tài chính trong ngắn hạn.
Do đó, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính.
“Mặc dù lạm phát của Việt Nam đã được kiểm soát cho đến nay, những áp lực về giá cả vẫn là một thách thức lớn trong năm 2023 do tác động từ những yếu tố ảnh hưởng đến lượng cầu. Do đó, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước luôn thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng nội tệ (VND) và các dấu hiệu bất ổn tài chính, cùng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp, tập trung cho đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước phân bổ tín dụng hợp lý để đảm bảo nhu cầu của các ngân hàng cũng như đáp ứng việc tiêu dùng của người dân”, bà Michele We kiến nghị.
Tại diễn đàn, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, cho biết NHNN đã nhận được 34 kiến nghị của hiệp hội. Trong đó có 12 kiến nghị đã được xử lý xong, 9 kiến nghị liên quan đến bộ ngành NHNN đang xử lý và 13 kiến nghị đã làm việc trực tiếp với nhóm ngân hàng và đang tích cực xử lý.
Trong đó đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề nhóm ngân hàng có nêu là chuyển đối số. Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo trong suốt thời gian vừa qua.
Theo ông Dũng, ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Thông tư về eKYC, về xác thực điện tử. Đây là chìa khóa để thực hiện chuyển đổi số và thực hiện ngân hàng số.
NHNN đã ban hành xong Thông tư về bảo lãnh điện tử. Sắp tới đây, Thống đốc cũng chỉ đạo việc cho vay trên môi trường điện tử mà các ngân hàng khá quan tâm.
Liên quan đến tín dụng xanh, Thống đốc NHNN đã ban hành chỉ thị nêu rõ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh. Trong đó ưu tiên tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn vốn quốc tế phục vụ phát triển tín dụng xanh.
Về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, vừa qua, NHNN đã ban hành quyết định hạ lãi suất điều hành xuống 1% và hạ lãi suất cho vay qua đêm 1%. Đây là một tín hiệu khá tốt với thị trường.
“Thông qua việc hạ lãi suất này, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động và chúng ta thấy có cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tạo động lực tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Dũng cho hay.
Đối với vấn đề chính sách tín dụng, Thống đốc NHNN có chỉ thị ưu tiên cấp tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có tín dụng xanh.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất về vốn ngân hàng cho các hoạt động phát triển kinh tế”, ông Dũng cho biết.
-
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt hơn 681 tỷ USD, bằng cả năm 2023
Tính đến hết ngày 15/11, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2024 đã đạt 681,48 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ và đã bằng cả năm 2023, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan....
-
Việt Nam - Dominica mở rộng cánh cửa hợp tác kinh tế đa lĩnh vực
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dominica của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 19-21/11/2024 đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ ngoại giao và hợp tác giữa hai nước. Với hàng loạt cuộc hội đàm và tuyên bố chung quan trọng, Việt Nam và Domin...
-
Xuất khẩu sang Mỹ gần đạt 100 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với trị giá cán mốc gần 100 tỷ USD.