Chính phủ Trung Quốc quyết tâm chấn chỉnh lại thị trường nhà đất làm nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư nhà đất “bị sốc” do giá cả giảm sút, thua lỗ nghiêm trọng.
Trung Quốc: Nhiều chủ đầu tư bị “sốc” nhà đất

Theo tờ Tham khảo Kinh tế Trung Quốc, phát biểu trong hội nghị thủ tướng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Saint Peterburg (Nga) ngày 6/11, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói: “Chính phủ Trung Quốc tiến hành kiểm soát vĩ mô đối với thị trường nhà đất trong thời gian hai năm. Hiện Nhà nước đã cho ban hành một số biện pháp kiên quyết để giảm áp lực giá cả tăng cao. Mục tiêu của chúng tôi là hạ giá nhà đất xuống mức mà quần chúng nhân dân có thể chấp nhận được”. Ông cũng cho biết năm 2011 nhà nước hoàn thành xây dựng10 triệu căn hộ định cư cho dân chúng.

Tờ báo cho biết đây là lần đầu tiên Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố sẽ hạ giá nhà đất. Ông đã phát đi một tín hiệu rằng nhà nước Trung Quốc sẽ tiến hành quyết liệt các biện pháp vĩ mô kiểm soát nhà đất tới khi nào giá nhà đất trở lại quỹ đạo hợp lý. Đây là một đòn mạnh mẽ giáng vào thị trường nhà đất và các doanh nghiệp, các chủ đầu tư kinh doanh nhà đất. Chuyên gia kinh tế Dịch Hiến Dung cho biết sở dĩ Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải công khai tuyên bố như trên vì kể từ tháng 4/2010 khi nhà nước tiến hành điều chỉnh, nhưng giá nhà đất chưa có một chuyển biến rõ rệt nào, do lợi ích cục bộ nhiều địa phương làm ngơ trước chủ trương chính sách nhà nước, tiếp tục duy trì giá cao khiến dân chúng bất bình.


Trong bài bình luận “Thị trường nhà đất dù sụt giảm nhưng kiểm soát vĩ mô quyết không dao động”, Tân Hoa Xã viết thời gian qua Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các biện pháp chính sách kiểm soát vĩ mô đối với thị trường nhà đất. Nhưng các biện pháp chính sách này đều bị vô hiệu hóa. Giá nhà đất chẳng những không giảm mà tiếp tục tăng cao do lợi ích của các địa phương, nên họ coi thường chính sách của nhà nước. Bởi vậy, lần này nhà nước sẽ tiến hành kiên quyết nhất, quyết liệt nhất trong lịch sử đối với thị trường nhà đất. Việc thắt chặt kiểm soát vĩ mô thị trường nhà đất lần này sẽ đưa lại nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các ngân hàng, chủ đầu tư vừa và nhỏ, nhưng không vì thế mà lơi lỏng biện pháp kiểm soát vĩ mô, dao động trước tình hình nhà đất sụt giảm.


“Sách trắng quản lý tài sản tư nhân” do Ngân hàng Trung Quốc và Tạp chí Hồ Nhuận công bố đầu tháng 10/2011 cho biết kinh doanh nhà đất là lĩnh vực phất lên giàu có nhanh chóng nhất và có nhiều tỉ phú nhất ở Trung Quốc. Đây là lĩnh vực kiếm lời cao hàng đầu ở Trung Quốc, chiếm tới 23,5% trong khi ở các nước khác chỉ chiếm 9% -10%. Chính vì vậy, khi chính phủ Trung Quốc áp dụng một loạt các biện pháp quyết liệt đã làm nhiều chủ đầu tư và doanh nghiệp lao đao, sập tiệm.


Tờ “Nam phương Nhật báo” ngày 8/11/2011 cho biết năm 2011, giao dịch nhà đất ở Quảng Châu sẽ giảm tới trên 66%. Giá nhà đất ở 100 thành phố lớn tháng 10/2011 giảm 14%, trong đó 10 thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu giảm 20%. Tại Bắc Kinh, riêng tháng 10/2011 có 177 sàn giao dịch bị sập tiệm phải đóng cửa, trong đó 73% là chủ đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quí 3/2011 doanh thu của 144 doanh nghiệp lớn kinh doanh nhà đất là 86,5 tỉ Nhân dân tệ (CNY), giảm 10,2% so với quí 2/2011, lợi nhuận giảm 32,6%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tờ báo cho biết hiện nay vắng lặng là tình trạng chung của hầu hết các sàn giao dịch nhà đất trong cả nước. Tờ báo cho biết có tới trên 60% chủ kinh doanh nhà đất đã quyết định chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.


Tờ “Economic Daily” của Anh ngày 9/11 dẫn đánh giá của hãng Barclay cho rằng thị trường nhà đất Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tan vỡ như bóng xà phòng. Lần điều chỉnh này của nhà nước khiến giá nhà đất sụt giảm từ 20% tới 30%, như vậy sẽ kéo theo GDP sụt giảm 0,5%. Do thời gian tiến hành điều chỉnh vĩ mô trong 2 năm, nên dự kiến GDP năm 2012 của Trung Quốc là 8,4%. Thị trường nhà đất Trung Quốc qua lần điều chỉnh này phải mấy năm sau mới có thể hồi phục. Đây thực sự là “cú sốc” đối với các nhà đầu tư bất động sản ở Trung Quốc.

Theo Kiều Tỉnh (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.