Đó là phản ánh của người dân xã Phú Thượng, huyện Phú Vang về trụ sở của Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (nằm ở ngã ba Quốc lộ 49 A, xã Phú Thượng, thuộc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam).
Khi chúng tôi đến chi nhánh trung tâm, một thanh niên trồng hoa cúc bán Tết cũng là bảo vệ trụ sở cho biết: “Ngoài tôi ra còn có một quản lý nhưng ít khi xuống trụ sở vì không hoạt động gì”.
Ông Trương Văn Thủy, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết chi nhánh trung tâm có 2 nhiệm vụ chính: hỗ trợ nông dân và làm dịch vụ (ăn, nghỉ) cho các đoàn nông dân đến Huế tham quan, học tập kinh nghiệm. Để phục vụ cho công việc, chi nhánh được đầu tư 2 dãy nhà, trong đó dãy nhà 2 tầng gồm nhiều phòng làm việc, điều hành được xây dựng xong vào năm 2010. Còn dãy nhà 5 tầng vừa đưa vào sử dụng đầu năm 2015, trong đó thiết kế tầng 1 là hội trường, bếp, phòng ăn; từ tầng 2 đến tầng 4 là các phòng nghỉ; tầng 5 là hội trường lớn. Tại các phòng đều được trang bị bàn ghế, máy điều hòa, giường nệm...
Tuy nhiên, ông Thủy cho biết từ khi ông về quản lý đến nay, chi nhánh chỉ tổ chức được vài lớp tập huấn và phục vụ nghỉ ngơi một đoàn nông dân từ nơi khác tới. Ông Thủy cũng khẳng định chi nhánh chỉ có ông và bảo vệ, bộ máy hoạt động chưa có.
Lý giải về sự đìu hiu của chi nhánh này, bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng do chưa được đầu tư đồng bộ, công trình mới chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1, chưa có bộ máy hoạt động, thiếu trang bị nội thất, công trình phụ trợ… Cũng theo bà Hương, chi nhánh này được đầu tư giai đoạn 1 với kinh phí khoảng 25 tỉ đồng nhằm hỗ trợ nông dân miền Trung, trong đó chủ yếu là khu vực Bắc Trung Bộ. Công trình được nghiệm thu đầu năm 2015 và hiện đang tiến hành kiểm toán.
“Nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, hiện Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn đã xây dựng dự án trung hạn để xin cấp trên kinh phí khoảng 20 tỉ đồng nhằm xây dựng nhà kho, xưởng, các công trình phụ trợ khác, dự kiến năm 2017 hoàn thành; đồng thời đang tiến hành tuyển bộ máy để đưa vào hoạt động. Chi nhánh trung tâm này chỉ có mục đích hỗ trợ nông dân, sau này làm dịch vụ, đưa đón bà con nông dân các vùng miền đến nghỉ để học tập kinh nghiệm” - bà Hương khẳng định.
Trong khi chờ triển khai giai đoạn 2, bà Hương cho biết đang trình kế hoạch hoạt động lên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa nông dân vào học hỏi kinh nghiệm, các chương trình như phòng chống lao, bạo lực gia đình…