17/11/2020 2:05 PM
Trong khi dự án trọng điểm ì ạch liên tục lùi đích, thiên tai, triều cường ngày càng tăng cấp khiến công cuộc chống ngập của TP.HCM ngày càng đi vào bế tắc.

Triều cường trên đường Tôn Thất Thuyết, P.18, Q.4, TP.HCM, chiều 16.11. Ảnh: Khả Hòa

Liên tục xác lập kỷ lục

Bản tin dự báo thủy triều của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ phát đi hôm qua (16.11), dự báo đỉnh triều cao nhất trong đợt này tại các trạm vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn xuất hiện vào ngày 16 - 17.11.

Cần tận dụng thể tích kênh rạch/sông hiện hữu để làm hồ điều tiết, tạm chứa nước khi mưa lớn. Đồng thời triển khai nghiên cứu chi tiết theo hướng chứa nước mưa liên lưu vực với nhau, kết nối với nhau bằng các tuyến cống ngầm. Các tuyến cống ngầm này lại kết nối với các kho nước được xây dựng ngầm dưới các công viên. Nước trong kho chứa được sử dụng để tưới cây, rửa đường và các mục đích khác. Hình thức chứa nước này đã áp dụng hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Pháp …

Kỹ sư Lê Thành Công

Cụ thể, nước triều dâng tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể đạt mức 1,70 - 1,75 m (cao hơn mức báo động 3 từ 0,10 - 0,15 m), thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 5 - 7 giờ và 17 - 19 giờ. Nước tại trạm Biên Hòa lên mức xấp xỉ báo động 2, trạm Thủ Dầu Một cao hơn báo động 3 từ 0,10 - 0,15 m. Mực nước trên hệ thống kênh rạch TP.HCM được dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao trên mức báo động 2 đến ngày 19.11. Trước đó, đỉnh triều tại trạm Phú An cũng ghi nhận mức tăng cao, lần lượt là 1,67 m (ngày 13.11); 1,72 m (ngày 14.11) và 1,74 m (ngày 15.11). Mực nước trên hệ thống kênh rạch TP.HCM được dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao trên mức báo động 2 đến ngày 19.11. Nếu dự báo chính xác, đỉnh triều cường đợt này sẽ phá kỷ lục mức đỉnh triều lịch sử từng ghi nhận tại trạm Phú An là 1,72 m vào cuối năm 2019.

Trong một thập niên qua, thủy triều tại TP.HCM đang có xu hướng năm sau “đè” năm trước. Hàng loạt tuyến đường thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng do triều cường, ngập sâu từ 0,3 - 0,5 m gồm QL50 (H.Bình Chánh), đường Nguyễn Bình, Lê Văn Lương (H.Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Q.7), đường Hoàng Diệu (Q.4), khu vực Thảo Điền (Q.2) và khu vực bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)...

Hồi cuối tháng 10.2019, tờ The New York Times dẫn nghiên cứu, do Tổ chức Khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên chuyên san Nature, dự báo hiện tượng nước biển dâng sẽ xóa sổ nhiều TP lớn ven biển vào năm 2050. Khu vực sinh sống của hơn 20 triệu người, tương đương gần 1/4 dân số cả nước, sẽ bị ngập do ảnh hưởng của nước biển dâng. Đáng chú ý, phần lớn diện tích TP.HCM cũng sẽ chìm dưới nước.

Nghiên cứu này tuy còn gây nhiều tranh cãi, song bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, khẳng định: “Chưa biết 30 - 50 năm nữa miền Nam VN có “chìm” thật hay không, nhưng chắc chắn nếu không nhanh chóng có giải pháp căn cơ, tình trạng ngập lụt tại TP.HCM sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Triều cường năm sau “đè” năm trước, ngập năm sau phá kỷ lục của năm trước. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai dị thường xuất hiện ngày càng nhiều, cùng với tình trạng bê tông hóa, sụt lún do khai thác nước ngầm vô tội vạ sẽ khiến TP.HCM chìm dần, ngập nặng”.

Kịch bản thoát ngập chưa đủ

Để kiểm soát ngập do triều, “liều thuốc” quy mô lớn đang được kỳ vọng nhiều nhất là dự án chống ngập 10.000 tỉ do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Đây là dự án thuộc Quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Nếu trước đây thủy triều đạt mức 1,5 đến trên 1,7 m, TP sẽ ngập thì sau khi dự án đi vào hoạt động, có thể ngăn triều lên tới mức 3 m. Bên cạnh việc liên tục gặp khó từ khâu giải phóng mặt bằng đến thủ tục thanh toán khiến dự án phải lùi đích từ 30.4.2018 đến nay vẫn chưa hoàn thành, đại diện chủ đầu tư cũng bỏ ngỏ câu trả lời cho câu hỏi “Có giúp TP hết ngập hay không?” với lý giải: Nếu các dự án tổng thể hoàn thiện mạng lưới thoát nước theo Quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả.

Phân tích chi tiết, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, cho biết các dự án tiêu thoát nước hiện nay đang được thiết kế và xây dựng để tiêu thoát nước cho từng lưu vực riêng lẻ. Quy hoạch 1547 là nghiên cứu xây dựng 13 cửa cống ngăn triều hỗ trợ tiêu thoát nước cho bờ hữu sông Sài Gòn (hiện mới thi công chưa hoàn thành 6 cửa ngăn triều), tức là nếu hoàn thành 6 cống ngăn triều cũng chỉ mới ngăn thủy triều xâm nhập, hỗ trợ tiêu thoát nước cho lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè, Đôi Tẻ Bến Nghé, Ông Lớn, Mương Chuối, Rạch Đỉa. Kịch bản sau khi các cửa cống ngăn triều đi vào hoạt động, khi thủy triều lên cao (trên 1,6 m) đồng thời có mưa trên 150 mm ở một số vùng trong TP, thủy triều sẽ không thể xâm nhập vào khu vực nội thành (vì đã được cống ngăn triều bảo vệ) và sẽ có 2 tình huống xảy ra: Nếu mực nước trong các kênh rạch nói trên đã được hạ xuống cao độ dưới 2 m đến dưới 2,5 m trước khi có mưa, do không còn bị cản trở của nước triều hạ lưu, vận tốc dòng chảy trong cống gom sẽ tăng nhanh theo cường độ mưa gây xói lở mối nối cống, rồi sụt lún mặt đường. Lượng nước tập trung về hạ lưu cống quá nhanh, lớn hơn khả năng thoát của cửa xả khiến cho vùng hạ lưu cống bị ngập. Ví dụ mưa lớn ở vùng Q.10 thì khu vực ven kênh Tàu Hũ Bến Nghé sẽ bị ngập sâu. Cần có công trình điều tiết bậc thang mới có thể cải thiện tình trạng này. Nếu mực nước trong các kênh rạch nói trên không kịp hạ xuống, vẫn ở cao độ 0 m - dương 1 m thì dòng chảy trong cống vẫn giống như không có cống ngăn triều, vì vẫn bị cản ở hạ lưu, gọi là tình trạng chảy ngập hạ lưu.

“Như vậy tình trạng ngập lụt vẫn có thể chưa được cải thiện ngay cả sau khi xây dựng xong các cống ngăn triều. Lý do chính là hệ thống cống đã không đủ sức tiêu thoát nước cho lưu vực riêng rẽ và không có hồ điều tiết chứa nước mưa tạm thời”, ông Công nhận định

  • Từ đồng khô sang phố ngập!

    Từ đồng khô sang phố ngập!

    Cần Thơ và nhiều đô thị miền Tây Nam Bộ liên tục bị triều cường tấn công trong những ngày đầu tháng 11: Đường phố ngập sâu gây tắc nghẽn giao thông, đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế người dân

Hà Mai (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.