29/06/2021 8:16 AM
Dự thảo kế hoạch 2021 đề ra chỉ tiêu trong năm nay sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc xem xét, ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM năm 2021 (kế hoạch 2021). Theo đó, chỉ tiêu trong năm nay, TP.HCM sẽ đầu tư, triển khai hàng loạt công trình chống ngập để xóa hàng loạt điểm ngập do mưa và giải quyết bài toán triều cường.

Triển khai 20 dự án

“Chúng tôi vừa trình dự thảo kế hoạch chống ngập năm nay cho UBND TP.HCM, trong kế hoạch có đầy đủ các công việc cần triển khai cho công tác chống ngập ở TP.HCM” - ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết.

Theo ông Điệp, có những phần kế hoạch TP có thể làm ngay trong năm nay nhưng cũng có những dự án triển khai thời gian lâu hơn. Ông Điệp cũng cho rằng giai đoạn hiện nay cần phải cố gắng giữ được kết quả chống ngập đã đạt được thời gian qua. Cụ thể điểm nào đã giảm, xóa ngập thì không để tái ngập lại, đồng thời giảm dần từng điểm ngập như trong danh mục kế hoạch đề ra.

Dự thảo kế hoạch 2021 đề ra chỉ tiêu trong năm nay sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.

Các dự án giảm điểm ngập do mưa bao gồm hoàn thành hai dự án giải quyết dứt điểm ba điểm ngập trên đường Tân Quý (quận Tân Phú); Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình). Đồng thời hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công gói thầu xây lắp 06 (dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2).

Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư bảy công trình giải quyết chín điểm ngập ở các đường như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Tân Bình), quốc lộ 1A (đoạn qua TP.HCM).


Người dân vất vả di chuyển qua đoạn ngập trên đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức). Ảnh: HOÀNG GIANG

Về giảm điểm ngập do triều, trong năm 2021 cũng sẽ theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án 10.000 tỉ đồng). Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giải quyết tình trạng ngập của bốn tuyến đường gồm Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, quốc lộ 50. Theo kế hoạch, trong năm nay TP cũng hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn để ngăn triều cường.

Bên cạnh đó, TP cũng xây dựng hàng loạt nhà máy xử lý nước thải (nằm trong kế hoạch giảm ngập do triều) như khởi công xây dựng các hạng mục công trình chính của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc Thị Nghè giai đoạn 2, triển khai thủ tục mời gọi đầu tư sáu nhà máy xử lý nước thải.

Làm ngay các giải pháp cấp bách

Để nhanh chóng thực hiện có hiệu quả công tác chống ngập khi mùa mưa, triều cường sắp tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã kiến nghị thực hiện ngay nhiều giải pháp cấp bách.

Sáu nhà máy xử lý nước thải được triển khai thủ tục mời gọi đầu tư gồm: Tây Sài Gòn (gom ba nhà máy Tân Hóa - Lò Gốm, Bình Tân và Tây Sài Gòn thành một nhà máy đặt tại vị trí Nhà máy Bình Tân), Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum.

Cụ thể là giải pháp tăng cường công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước, vận hành các trạm bơm, cống kiểm soát triều theo đúng quy trình để đảm bảo thoát nước, ngăn triều. “Thực hiện các giải pháp cấp bách như lắp đặt bơm ứng cứu, đấu nối mở hướng thoát nước tại các vị trí ngập nước, thay nắp hầm ga bằng sắt, mở rộng miệng thu nước để tăng cường thu nước...” - đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cho biết.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án chống ngập cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, đưa vào vận hành, sớm phát huy hiệu quả của các dự án chống ngập. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền mọi người cùng tham gia chống ngập qua phim, tranh tường, sổ tay tuyên truyền quản lý, bảo vệ hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Về cơ chế thu hút đầu tư, Sở KH&ĐT TP cũng được đề nghị nghiên cứu tham mưu tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách trong việc triển khai các dự án. Sở KH&ĐT cũng tham mưu cho UBND TP giải pháp, cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần thu hút hỗ trợ tài chính nhằm tăng tính khả thi, đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, cống kiểm soát triều và xử lý nước thải.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP được giao chủ trì ưu tiên mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các công trình thực hiện theo hình thức PPP.•

TP.HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước

Mục tiêu của dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM năm 2021 là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016-2020. Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm TP rộng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP. Thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại.

Sở Xây dựng TP cho biết kế hoạch giảm ngập nước cho TP giai đoạn 2021-2025, TP.HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng (tương đương 4,3 tỉ USD) để cải tạo hệ thống thoát nước.

Kiên Cường (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.