Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: BTC)
Hệ thống văn bản pháp luật được hoàn thiện đồng bộ
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và bước vào giai đoạn phát triển mới, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, gắn với phân cấp quản lý và điều chỉnh các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị, phục vụ tốt hơn cho tổ chức bộ máy mới và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một loạt văn bản quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Cụ thể, ngày 11/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Tài chính; Nghị định số 127/2025/NĐ-CP quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.
Tiếp đó, ngày 14/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị. Ngày 15/6, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 153/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2023/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô-tô. Ngày 16/6, ban hành thêm Nghị định số 155/2025/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 36/2025/TT-BTC ngày 12/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Để việc triển khai được thống nhất và hiệu quả, Bộ cũng đã có Công văn số 8516/BTC-QLCS và Công văn số 8523/BTC-QLCS cùng ngày 17/6/2025 gửi tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương nhằm giới thiệu nội dung chính của các văn bản nêu trên.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, các văn bản hướng dẫn mới đều có tính chuyên môn sâu, phạm vi điều chỉnh rộng và tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, nghiên cứu kỹ lưỡng để tham mưu triển khai hiệu quả. Việc tập huấn, tuyên truyền tới các đơn vị chịu tác động từ chính sách cần được thực hiện kịp thời. Nếu có điểm chưa rõ, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần chủ động nêu ý kiến để được Cục Quản lý công sản hướng dẫn, tháo gỡ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện Bộ đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thuộc dự án Luật sửa đổi, bổ sung tám luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, thay thế các nghị định hiện hành như: Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP và Nghị định số 50/2025/NĐ-CP.
Dự thảo đã được hoàn thiện một bước sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Tại hội nghị, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các đơn vị nghiên cứu, góp ý hoàn thiện dự thảo.
“Mô hình chính quyền địa phương hai cấp là vấn đề mới, các chính sách liên quan lại được ban hành trong thời gian gấp rút. Nếu trong quá trình triển khai có khó khăn, bất cập, đề nghị các địa phương phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn, tháo gỡ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: BTC)
Địa phương chủ động, sẵn sàng triển khai
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025. Tuy nhiên, để bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả, ngay từ thời điểm hiện tại, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án, tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến tài sản công, trên cơ sở các tiêu chuẩn, định mức và thẩm quyền đã được quy định.
Ông Thịnh cho biết thêm, ngày 18/6, Bộ Tài chính đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho các bộ, ngành, địa phương để thống nhất nhận thức, hành động, từ đó tổ chức thực hiện tốt vào thời điểm chuyển giao mô hình chính quyền vào ngày 1/7 tới.
Chia sẻ kinh nghiệm địa phương, đại diện tỉnh Hải Dương cho biết đã triển khai nghiêm túc các hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại các huyện, thị xã, thành phố.
Qua kiểm tra, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều hoàn thành công tác kiểm đếm, lập biên bản tài sản theo mẫu hướng dẫn; cấp huyện đã lập phương án phân chia tài sản. Đặc biệt, trước tình trạng thiếu xe công tại 16 xã mới thành lập, tỉnh đã tạm thời thu hồi xe dôi dư để bố trí, bảo đảm mỗi xã có 1 xe ô-tô hoạt động từ ngày 1/7.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Thái Nguyên nêu một số vướng mắc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và phân cấp ngân sách sau sáp nhập đơn vị hành chính. Địa phương đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể để bảo đảm điều hành ngân sách và đầu tư công hiệu quả trong mô hình mới.
Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh góp ý đối với dự thảo Nghị định 151/2025/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc. Thành phố đang tổng hợp ý kiến và sẽ gửi văn bản chính thức trong tuần. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn về định mức sử dụng xe công và phương án sắp xếp trụ sở ngành dọc.
Đánh giá chung tại hội nghị cho thấy, các địa phương và bộ ngành đều cho rằng, hệ thống văn bản mới ban hành trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản đồng bộ, rõ ràng, tạo điều kiện cho địa phương chủ động triển khai. Mô hình chính quyền 2 cấp là mới, nhưng chưa phát sinh vướng mắc lớn trong quá trình chuẩn bị.
Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh sớm những khó khăn trong thực tế triển khai để có hướng xử lý kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
-
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 13/6, Bộ Tài chính ban hành văn bản số 8380/BTC-QLCS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn bổ sung việc bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
-
Tuyên Quang chỉ đạo về xử lý tài sản công sau sáp nhập
Sau sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, Tuyên Quang đang tăng tốc xử lý tài sản công, với chỉ đạo quyết liệt từ Chủ tịch UBND tỉnh qua Văn bản số 2768/UBND-THVX, thực hiện theo Công điện 80/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
-
Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản công tại các tỉnh phía Nam
Bộ Tài chính tổ chức đoàn công tác làm việc tại TP.HCM và hai tỉnh phía Nam nhằm kiểm tra, hướng dẫn xử lý tài sản công trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Các vấn đề pháp lý, thực tiễn và điều phối liên ngành đang được tập trung tháo gỡ để bảo đảm hiệu quả.








-
Ninh Bình hút hơn 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong 6 tháng
Sau sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định thành một đơn vị hành chính mới, vùng đất Ninh Bình đã nhanh chóng thể hiện sức bật vượt trội trên bản đồ đầu tư quốc gia.
-
Phú Thọ mời đầu tư 3 dự án hơn 3.400 tỷ đồng
Sau khi hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành một tỉnh mới mang tên Phú Thọ, địa phương này đã nhanh chóng phát đi thông điệp mạnh mẽ về định hướng phát triển tương lai bằng việc công bố mời gọi đầu tư cho 3 dự án bất động sản có tổng ...
-
Giá nhà TP.HCM lập đỉnh, nửa tỷ đồng mỗi m2 căn hộ
Mới đây, một doanh nghiệp bất động sản công bố mức giá rumor (giá bán dự kiến) cho các căn hộ hạng sang tại một dự án ngay vùng lõi trung tâm TP.HCM với mức khoảng 450 triệu đồng/m2.