06/09/2017 10:54 AM
Dù sinh sống ổn định hơn 30 năm nay, nhưng gần 200 hộ dân ở tổ dân phố số 1, P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn phải sống khốn khổ, thấp thỏm lo lắng vì nhà, vườn bị vướng vào quy hoạch khó khả thi.
Bà Nguyễn Thị Chính và gia đình nhiều năm phải sống khốn khổ vì quy hoạch bất khả thi. Ảnh: Lê Quân
“Vòng kim cô” quy hoạch
Phản ánh đến Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Chính (ở số 385 Lương Thế Vinh) cho biết đa phần các hộ dân đều sinh sống ổn định tại thôn Thượng, xã Mễ Trì, H.Từ Liêm nay là tổ dân phố số 1, P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội từ những năm 1980. Nguồn gốc đất chủ yếu là đất dịch vụ, nông nghiệp do ông cha để lại; do nhà nước giao; mua, bán sang nhượng công khai từ người trong thôn. “Tính đến nay, 5 thế hệ nhà tôi đã sinh sống ổn định lâu dài trên mảnh đất cha ông để lại. Không có lý do gì, sau nhiều lần kê khai, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng đến nay gia đình tôi vẫn mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ”, bà Chính nói.
Vừa lật giở tập biên lai thu tiền sử dụng đất nhiều năm, ông Vũ Đình Quang (56 tuổi, ở số 407 Lương Thế Vinh) cho biết gần 200 hộ dân thuộc tổ dân phố số 1, P.Mễ Trì nhiều năm nay đều nộp tiền sử dụng đất đầy đủ, đất có nguồn gốc rõ ràng, không có tranh chấp nhưng lại không được cấp sổ đỏ để yên tâm xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Nguyên nhân, theo các hộ dân, là vướng vào quy hoạch rất khó khả thi. “Không có sổ đỏ, nhà cửa chúng tôi xây dựng đã nhiều năm, qua thời gian, xuống cấp nhiều, muốn xin cải tạo, sửa chữa, xây mới đều không được. Có gia đình chục người phải ở chui rúc trong ngôi nhà vài chục mét vuông, xập xệ nhưng không được xây lại. Quy hoạch như vậy, khác nào “đeo vòng kim cô” bó buộc cuộc sống hàng nghìn người dân chúng tôi”, ông Quang than thở.
Ông Đào Tăng Quýnh, Chủ tịch UBND P.Mễ Trì, xác nhận nhiều hộ dân ở tổ dân phố số 1 đã làm nhà kiên cố sinh sống ổn định từ những năm 1980 đến nay. Các hộ dân ở đây từng nhiều lần đề đạt nguyện vọng được cấp sổ đỏ để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống nhưng chưa được đáp ứng vì vướng quy hoạch.
Cụ thể, cuối năm 2015, UBND TP.Hà Nội phê duyệt phân khu đô thị có ký hiệu H2-2, tỷ lệ 1/500 các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm thì toàn bộ diện tích đất ở khu vực tổ dân phố số 1 được quy hoạch mở rộng đường Lương Thế Vinh và đất có chức năng công cộng nên không thể cấp sổ đỏ.
Ông Nguyễn Trọng Lượng, Phó chủ tịch UBND Q.Nam Từ Liêm, cho biết thêm trước khi có quy hoạch H2-2, năm 2010, khu đất tổ dân phố số 1 được TP.Hà Nội quy hoạch làm dự án xây dựng tổ hợp trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê. Khi đó, UBND H.Từ Liêm đã triển khai các bước thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhưng không thành. Sau năm 2013, có chủ trương tách H.Từ Liêm thành 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm thì dự án xây dựng tổ hợp trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê cũng bị đình lại.
Đến cuối 2015, UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch H2-2, khu đất thuộc tổ dân phố số 1, P.Mễ Trì được quy hoạch làm dự án mở rộng đường Lương Thế Vinh và đất chức năng công cộng. Tháng 6.2016, UBND TP.Hà Nội đồng ý chủ trương cho UBND Q.Nam Từ Liêm xây dựng công trình công cộng, nhưng theo lãnh đạo quận này, chưa biết khi nào triển khai được.
Lãnh đạo nói có, dân nói không được lấy ý kiến
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết khi lập quy hoạch H2-2 đã lấy ý kiến cộng đồng cư dân rất đầy đủ. Dù vậy, nhiều người dân ở tổ dân phố số 1, P.Mễ Trì khẳng định không thấy ai hỏi ý kiến gì.
Trong khi đó, ông Đào Tăng Quýnh cho biết để tạo căn cứ quản lý đất tại tổ dân phố số 1, cuối năm 2016, đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ven đường Lương Thế Vinh. Đối với những diện tích đất nông nghiệp thì cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai”. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND Q.Nam Từ Liêm, cũng xác nhận tình trạng mua bán chuyển nhượng đất đai ở tổ dân phố số 1, P.Mễ Trì rất phức tạp, rất khó giải phóng mặt bằng do người dân có đơn thư khiếu nại nhiều lần nên để thực hiện được theo quy hoạch là không đơn giản.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng khi lập quy hoạch cần khảo sát kỹ càng thực tế, nhất là những nơi đã có lịch sử dân cư lâu bền như Hà Nội. Việc ghi nhận ý kiến cộng đồng dân cư khi lập quy hoạch rất quan trọng, không thể bỏ qua. Nếu đã ghi nhận ý kiến khi lập quy hoạch mà sau khi phê duyệt vẫn có hàng trăm người phản đối thì cần xem lại công tác này.
“Người dân không đồng thuận thì dù quy hoạch được phê duyệt cũng khó thực hiện, dễ gây bức xúc xã hội. Chưa kể, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho hàng trăm hộ dân đã xây nhà kiên cố để làm dự án theo quy hoạch sẽ rất lớn, ngân sách khó đáp ứng nhanh, quy hoạch bị treo lâu càng làm khổ người dân”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Lê Quân (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.