Để được giao đất ở tại khu vực Quán Sinh, năm 1993, bà Khúc Thị Lâm (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) cùng nhiều hộ dân đã phải nộp 1 số tiền không nhỏ cho chính quyền địa phương. Đến nay, khi diện tích đất này nằm trong phạm vi thu hồi đất để giao Cty CP Tập đoàn Thạch Bàn thuê thì chính quyền địa phương lại được nhận tiền thêm một lần nữa; trong khi đó, các hộ dân như bà Lâm phải “trắng tay” …

Khu đất của các hộ đã được giao vào năm 1993

Dân bị từ chối bồi thường

Như PLVN đã phản ánh tại số báo ngày 13/8/2013, xuất phát từ khiếu nại của một số hộ dân trong quá trình thu hồi đất và bồi thường GPMB, Sở TN&MT Hà Nội đã có văn bản “thu và dừng mọi giao dịch liên quan” đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho Cty CP Tập đoàn Thạch Bàn (Cty Thạch Bàn) tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.

Tiếp đó, UBND TP có ý kiến “giao UBND quận Long Biên kiểm tra, rà soát lại lập biên bản, bàn giao đất cho công ty Thạch Bàn và việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ bà Lâm, bà Phấn” và “chủ động khắc phục những nội dung chưa phù hợp với các quy định của luật, báo cáo về UBND TP”.

Theo khiếu nại của dân thì trong diện tích mà Cty Thạch Bàn được Cấp GCNQSDĐ này, có hàng trăm m2 đất đã được UBND xã Gia Thụy (nay là UBND phường Phúc Đồng) giao đất giãn dân cho các hộ (có thu tiền) từ tháng 4/1993. Nhưng khi thực hiện bồi thường thì cơ quan chức năng lại coi đây là diện tích đất nông nghiệp do UBND phường Phúc Đồng quản lý nên chỉ tiến hành “hỗ trợ” tiền cho chính quyền địa phương và “phớt lờ” quyền lợi của các hộ dân, không bồi thường cho họ.

Bác bỏ chuyện dân được bồi thường, UBND quận Long Biên đã viện dẫn nhiều văn bản, trong đó có Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP Hà Nội…

Tuy nhiên, tại chính những văn bản này đều đã quy định rõ: “Đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2004 nhưng người đang sử dụng đất đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì việc bồi thường, hỗ trợ về đất được thực hiện theo quy định sau: Trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 thì người đang sử dụng đất được bồi thường về đất đối với diện tích và loại đất được giao…” (Điều 46, Nghị định 84); hoặc “Đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/ 2004 nhưng người đang sử dụng đất đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất mà chưa được cấp GCNQSDĐ và được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì việc bồi thường, hỗ trợ về đất được thực hiện theo quy định sau: Trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/ 10/ 1993 thì người đang sử dụng đất được bồi thường về đất đối với diện tích và loại đất được giao”.

Chính quyền 2 lần nhận tiền

Như vậy, trong trường hợp này, UBND phường Phúc Đồng phải là cơ quan xác nhận cho các hộ dân về việc đất không tranh chấp, giúp cấp trên phê duyệt phương án Bồi thường GPMB đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho các hộ nhưng cơ quan này lại không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Theo quyết định thu hồi đất của UBND Tp Hà Nội thì UBND phường Phúc Đồng lại chỉ xác nhận về việc trong phạm vi thu hồi có “3 hộ thầu khoán” chứ không có đất của 9 hộ mà chính mình đã giao đất 17 năm về trước.

Không hiểu sao, UBND phường Phúc Đồng lại cố tình “lờ” đi chuyện chính cơ quan này đã thu tiền của các hộ và lập sơ đồ chia lô khu đất Quán Sinh vào năm 1993. Chỉ đến khi có khiếu nại của dân thì cơ quan này mới thừa nhận “các hộ dân đã nộp 100% tiền bồi thường đất và hoa màu cho Hợp tác xã” và “toàn bộ số tiền đã được đầu tư hết vào xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương”.

Tuy nhiên, thay vì phải đề nghị cơ quan chức năng xem xét bồi thường cho các hộ theo Nghị định 84 và Quyết định 108 nêu trên thì cơ quan này lại “lái” vụ việc thành “trả lại tiền” nhưng lại trình bày hoàn cảnh rằng, “hiện nay, UBND phường không có nguồn kinh phí để chi trả”. Bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua đất từ chính quyền cách đây 17 năm, thử hỏi ai sẽ chỉ đồng ý nhận lại đúng số tiền cũ?

Vụ việc khiến người ta phải liên tưởng đến chuyện “1 thửa đất, bán 2 lần”: năm 1993, UBND xã Gia Thụy “bán” đất (lần 1) cho các hộ dân và đã tiêu hết tiền; 17 năm sau đã “bán” tiếp lần 2 và điềm nhiên nhận tiền hỗ trợ từ chủ đầu tư.

Trước vụ việc này, bà Lâm buộc phải có sự so sánh “người dân bán đất 2 lần thì bị xem xét trách nhiệm hình sự vì có sự gian dối. Ở đây, chính quyền “bán” đất 2 lần thì những cán bộ liên quan có bị xem xét trách nhiệm hành chính?”

Theo phản ánh của bà Lâm và một số người dân thì thời gian gần đây, một số người đã đến san gạt khu đất của các hộ đã sử dụng để làm sân bóng đá (trải cỏ nhân tạo) và tuyên bố “đã thuê đất của Công ty Thạch Bàn”. Đây chính là diện tích đất các hộ đã được chính quyền giao (có thu tiền) vào năm 1993, hiện đang nằm trong Sổ đỏ “treo” của Cty Thạch Bàn.

Như vậy, việc “treo” GCNQSDĐ của Cty Thạch Bàn chỉ là hình thức? Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra vụ việc để đảm bảo việc “dừng mọi giao dịch liên quan đến GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho Cty Thạch Bàn theo đúng nội dung thông báo của Sở TN&MT Hà Nội”.

Khoa Lâm (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.